Hai máy bay hiện đại Embraer E195 đầu tiên của Bamboo Airways, sử dụng bay thẳng tới Côn Đảo, sẽ được đặt tên Con Dao Nation Park (Vườn Quốc gia Côn Đảo) và Con Son Islands (Đảo Côn Sơn).
Thông tin này được công bố tại cuộc tọa đàm “Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới”, diễn ra tại FLC Sầm Sơn ngày 12/9, do Tổng cục Du lịch, báo VnExpress cùng Bamboo Airways phối hợp tổ chức.
Tọa đàm có sự tham dự của hơn 400 khách mời là các cơ quan quản lý, các hiệp hội chuyên ngành, các chuyên gia hàng không và đại diện các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, du lịch lớn và uy tín, các cơ quan thông tấn, báo chí.
Côn Đảo, điểm đến vừa lạ vừa quen
Phát biểu mở đầu sự kiện, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết Côn Đảo sở hữu tiềm năng du lịch to lớn. Năm 2019, Côn Đảo đón khoảng 420.000 khách du lịch. Trong 8 tháng đầu năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, địa phương vẫn đón trên 235.000 lượt khách.
Nhưng, “một điều đáng tiếc là việc kết nối đất liền và Côn Đảo còn nhiều hạn chế. Hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Tỉnh đang quy hoạch để mời gọi các doanh nghiệp tập đoàn tới khảo sát, đầu tư, không cần quá nhiều nhưng đầu tư chất lượng để giữ vị trí, hệ sinh thái, tính nhân văn”, ông Hàng nói.
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, nhu cầu đi lại tới Côn Đảo từ nhiều năm nay là rất lớn và ngày càng tăng, tuy nhiên đường tới Côn Đảo còn nhiều khó khăn. Để tới Phú Quốc có thể đi bằng tàu biển, tốn thời gian dài, nếu đi từ TP.HCM mất ít nhất 9 tiếng, từ Bà Rịa – Vũng Tàu xấp xỉ 4 tiếng trong điều kiện biển lặng.
Cách thứ hai là đường hàng không, tuy nhiên số lượng khách bị hạn chế và đa số phải bay nối chuyến, do loại máy bay hiện bay tới Côn Đảo từ TP.HCM hoặc Cần Thơ chỉ chở tối đa được 68 khách mỗi chuyến.
Chia sẻ về trải nghiệm cá nhân, blogger du lịch Trần Việt Phương nhận xét Côn Đảo là một điểm đến vừa lạ vừa quen. Nhớ lại lần đầu tiên đi Côn Đảo năm 2012 bằng Air Mekong, lần thứ hai vào năm ngoái bay bằng trực thăng và về bằng tàu cao tốc, “dù đi phương tiện nào đều đông và kín chỗ”, ông kể.
Với ông Phương, Côn Đảo có không khí trong lành hiếm nơi nào có, với những trải nghiệm độc nhất vô nhị, ngoài du lịch tâm linh, du lịch văn hóa – lịch sử, còn có những tour du lịch sinh thái rất hấp dẫn…
Đồng quan điểm, ông Phạm Việt Anh, nhà báo du lịch, sáng lập trang tin du lịch Bay Nhé lấy ví dụ, nếu Bali hoặc Maldives tự định vị là “thiên đường”, Jeju tự gọi là hòn đảo của những vị thần – nơi có tiên cảnh, ẩm thực hấp dẫn, thì Côn Đảo cũng cần nhanh chóng chọn một “câu chuyện để truyền thông” và định vị mình trên bình diện quốc tế.
Bay Embraer E195 như chuyên cơ, mạnh mẽ và êm ái
Khi được hỏi về mục tiêu khi đưa vào khai thác 3 đường bay thẳng mới từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng tới Côn Đảo, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bamboo Airways nói, việc tăng cường liên kết vùng, kết nối các địa phương có sân bay tiềm năng chưa được khai thác hết, là một trong những mục tiêu của Bamboo Airways từ ngày đầu thành lập.
Kể về lý do lựa chọn dòng máy bay Embraer E195 để khai thác trên đường bay này, ông Đặng Tất Thắng cho biết đây gần như một “cái duyên”, khi ban đầu hãng chọn khảo sát loại máy bay Airbus A319 cho đường bay tới Côn Đảo. Kết quả là năng định của đường bay không đủ để đón máy bay này, và kế hoạch triển khai bị trì hoãn.
Tình cờ trong quá trình đi nhận máy bay Boeing 787 đầu tiên tại Mỹ, ông Thắng cùng đối tác bay trên máy bay Embraer E195 cho hành trình công tác. “Chuyến bay chỉ kéo dài khoảng hơn 25 phút, nhưng tôi cảm giác như ngồi trên một chuyên cơ riêng, mạnh mẽ nhưng cực kỳ êm ái. Tôi nhắn ngay cộng sự tìm hiểu để đưa dòng máy bay này về với Côn Đảo. Qua tính toán, với sự chấp thuận của Cục Hàng không, chúng tôi triển khai thành công đường bay này sau 6 tháng”, ông cho biết.
Với số lượng biên chế vào đội bay dự kiến có thể lên đến 10 máy bay Embraer E195, Bamboo Airways đang lên kế hoạch khai thác các đường bay tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả như Phú Quốc – Rạch Giá, TP.HCM – Cà Mau, Đà Nẵng – Điện Biên, Đà Nẵng – Côn Đảo… trong tương lai gần.
“Chúng tôi ấp ủ tham vọng góp phần đưa hàng không Việt Nam đạt mục tiêu như ngành hàng không Mỹ, khi từ bất cứ sân bay nào trong mạng lưới sân bay đều có thể bay thẳng tới sân bay khác, mà không cần nối chuyến”, ông Đặng Tất Thắng khẳng định.
Bamboo Airways sẽ trích doanh thu để góp phần bảo tồn rùa biển Côn Đảo
Xuất phát từ tinh thần hoạt động khai thác song song với bảo tồn thiên nhiên, môi trường, ông Đặng Tất Thắng chia sẻ nhiều dự án mà Bamboo Airways ấp ủ đối với đường bay kết nối Côn Đảo – “hòn đảo của mẹ thiên nhiên” như ông ví von.
Hai máy bay Embraer E195 đầu tiên của Bamboo Airways sẽ được đặt tên Con Dao Nation Park (Vườn Quốc gia Côn Đảo) và Con Son Islands (Đảo Côn Sơn), đồng thời máy bay có thiết kế nhận diện bằng hình ảnh kí hoạ rùa biển Côn Đảo cùng slogan “Save the Turtles” (Bảo tồn Rùa biển) để kêu gọi cộng đồng cùng gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên của Côn Đảo.
Với mỗi chuyến bay đến Côn Đảo, Bamboo Airways cũng sẽ trích ra một phần doanh thu để đóng góp vào quỹ bảo tồn rùa biển của Côn Đảo.
Ông Thắng cũng cho biết, Bamboo Airways sẽ tổ chức những chuyến bay tri ân các cựu chiến binh từng ở Côn Đảo, các gia đình có thân nhân hy sinh tại Côn Đảo nhưng chưa có điều kiện quay lại nơi này.
Kết lại sự kiện, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch Bamboo Airways nói, sau nhiều dấu ấn “lần đầu tiên” đáng tự hào, như là hãng hàng không tư nhân đầu tiên cung cấp dịch vụ định hướng 5 sao, là hãng tư nhân đầu tiên đưa vào khai thác máy bay thân rộng, là hãng đầu tiên duy trì tỷ lệ đúng giờ cao rất nhiều tháng liên tiếp, an toàn 100%, thì dấu ấn “lần đầu tiên” với Côn Đảo tiếp tục là một mốc son ý nghĩa với hãng.
“Là hãng hàng không đầu tiên mở đồng loạt 3 đường bay thẳng đến Côn Đảo, chúng tôi mong muốn cũng sẽ là một nhà đầu tư góp phần mang tới các dự án đầu tư chất lượng cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mong muốn sẽ góp phần cổ vũ, tiếp sức để du lịch Côn Đảo phát triển hết tiềm năng”, Chủ tịch Bamboo Airways nói.