(Chinhphu.vn) – Ngày 11/5 tại TPHCM, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp cùng UBND TPHCM tổ chức Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ.
Các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua linh hoạt, kịp thời
Dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, đại diện lãnh đạo TPHCM, các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, đại diện các ngân hàng thương mại và hàng trăm DN tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, lạm phát quốc tế giảm chậm, với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong nước, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 tăng trưởng yếu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư… vẫn còn gặp khó khăn, đầu tư tư nhân trong nước và thu hút FDI chưa có dấu hiệu phục hồi.
Riêng tại khu vực Đông Nam bộ năm 2022, tổng GRDP của khu vực chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng một số địa phương tăng (TPHCM tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, Bình Dương tăng 13,2%…), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng (TPHCM tháng 4 tăng 3% so với tháng trước, Bình Dương tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,19%…).
Theo thống kê từ NHNN, tại khu vực Đông Nam Bộ, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD), phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân, đến hết quý I/2023, huy động vốn khu vực đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 1,24%); tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Minh Tú cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, thời gian qua vùng Đông Nam Bộ còn gặp một số khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Một số tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp (như TPHCM tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%), hoặc tăng trưởng âm (như Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 4,75%).
Sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều DN không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao… Thị trường bất động sản khu vực, vốn là một trong những trụ cột tăng trưởng của khu vực tiếp tục khó khăn, cung-cầu, giá đều giảm.
Theo phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng, đại diện cho các DN tại khu vực Đông Nam Bộ, bên cạnh những khó khăn kể trên, hiện DN đang gặp khó khăn đối với việc tiếp cận vốn vay từ các chính sách ưu đãi mà Chính phủ và NHNN đã ban hành, nhất là gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31.
Nhiều DN cho biết, mặc dù NHNN đã giảm lãi suất điều hành, nhưng với mức lãi suất cho vay từ 10-11% như hiện nay (giảm khoảng 1% so với đầu năm), nhiều DN cũng không “thiết tha” vay vốn do không có đơn hàng, hoặc với lãi suất như vậy, DN làm ăn không có lãi thậm chí âm vốn, nên cũng e dè không muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
DN kiến nghị các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực TPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) đánh giá cao các chính sách hỗ trợ DN linh hoạt, kịp thời trong thời gian qua từ Chính phủ và NHNN. Theo đó, “các hiệp hội ngành hàng được cùng làm việc với NHNN để tháo gỡ nhiều khó khăn cụ thể mà DN đang vướng mắc, điều này rất có ý nghĩa”, bà Chi nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo bà Chi, thực tế DN mới chỉ dễ thở hơn. Sức khỏe DN đang rất yếu, nên vẫn cần thêm nhiều chính sách trợ lực hơn để DN có thể phục hồi và phát triển trong thời gian tới. DN rất cần những gói vay ưu đãi dành riêng cho từng nhóm ngành hàng với thủ tục giải ngân đơn giản nhất có thể.
Theo đó, đó NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm, nhanh chóng và nhất quán các chính sách ưu đãi từ Chính phủ và NHNN đã ban hành để DN sớm tiếp cận, trách tình trạng “độ trễ” lớn, làm chậm cơ hội phát triển của DN.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch HUBA cũng kiến nghị, NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%, qua đó, các TCTD có dư địa để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho các DN.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, qua tháo gỡ khó khăn cho các DN bất động sản, nhiều dự án đã đủ điều kiện bán hàng, tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn không mua do tâm lý chờ lãi suất giảm sâu hơn. Việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới có ý nghĩa rất lớn, giúp kích cầu người mua, giúp DN bất động sản tăng thanh khoản, qua đó, kéo theo sự phục hồi và phát triển của nhiều ngành nghề liên quan tới bất động sản.
Do đó, ông Phan Văn Mãi kiến nghị, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, có thêm các gói cho vay mua nhà.
Đồng thời, để tạo động lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị NHNN theo dõi, phát triển trung tâm tài chính; giúp TPHCM xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. TPHCM sẵn sàng nhận thí điểm cơ chế mới, mô hình mới thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, NHNN đã chủ động, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước.
Thống đốc đánh giá, nhìn chung, các giải pháp điều hành chính sách nêu trên đều hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù NHNN đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp này, song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, xuất phát chủ yếu do các nguyên nhân: Cầu tín dụng của nền kinh tế giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp đối với nhóm bất động sản. Mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng, tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án.
Để hỗ trợ cho DN và người dân, về tín dụng, NHNN chỉ đạo TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đối với lĩnh vực bất động sản, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời, kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, bên cạnh các giải pháp điều hành tín dụng, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, như: Thường xuyên chỉ đạo TCTD đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức
Riêng đối với các khó khăn về tiếp cận tín dụng khu vực Đông Nam Bộ, bà Hồng cho biết, NHNN chỉ đạo các NHNN chi nhánh các tỉnh, thành Đông Nam Bộ phối hợp với các sở, ngành, thành phố để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại, kể cả không tiếp cận được vốn tín dụng cũng phải rõ lý do cho người dân và DN được biết.
Lê Anh