Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tp.HCM và Bình Thuận chỉ còn 2 tiếng đồng hồ. Yếu tố hạ tầng giao thông này đang được kì vọng trở thành đòn bẩy rất lớn cho thị trường BĐS nơi đây.
Thúc tiến độ cao tốc nghìn tỉ
Tại cuộc họp đầu tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phải tập trung, làm quyết liệt hơn để khởi công xây dựng các gói thầu của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam (bao gồm Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45) vào cuối tháng 8/2020.
Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết tính đến cuối tháng 6/2020 đã đạt 76,8% khối lượng bàn giao và giải phóng mặt bằng. Khi hoàn thành dự án sẽ rút ngắn khoảng cách từ Tp.HCM đến Kê Gà (Bình Thuận) chỉ mất khoảng gần 2 giờ di chuyển.
Dự án Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có chiều dài toàn tuyến 99km, với tổng mức vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 14.000 tỉ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, dự án Dầu Giây – Phan Thiết đang được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết được áp lực giao thông trên QL1A. Bộ cũng chỉ đạo đoạn Dầu Giây – Phan Thiết là dự án được ưu tiên số một để làm sao sớm được khởi công nhằm khơi thông cửa ngõ, giải quyết ách tắc trên QL1A hiện hữu nên công tác bàn giao mặt bằng cần được thực hiện khẩn trương.
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tp.HCM và Bình Thuận chỉ còn 2 tiếng đồng hồ. Đây là động lực đáng kể giúp thành phố biển này thu hút lượng khách hàng khổng lồ tại Tp.HCM lựa chọn BĐS nghỉ dưỡng tại thị trường nơi đây.
Không dừng lại ở đó, Bình Thuận đang đón các dự án hạ tầng quan trọng như làm đường Hàm Kiệm – Tiến Thành hơn 460 tỷ (dài 10,2km) điểm đầu kết nối cao tốc Dầu Dây – Phan Thiết (ở đoạn QL1A), điểm cuối kết nối với ĐT 719B. Riêng làm mới đường ĐT.719B gần 1.000 tỷ đồng và nâng cấp, mở rộng 32km đường ĐT719 hiện hữu khoảng 600 tỷ đồng. Khi hoàn thành, ĐT719B và Hàm Kiệm – Tân Thành sẽ tạo ra mạch nối thông suốt từ TP.HCM đến Kê Gà. Còn ĐT719 sẽ trở thành cung đường ven biển Quốc gia đẹp nhất Việt Nam, kết nối liền mạch từ Xuyên Mộc (Vũng Tàu) qua Kê Gà đến tận Mũi Né.
Cuối 2019 Bình Thuận cũng công bố quy hoạch Hàm Thuận Nam, trong đó dải đất dọc bờ biển khu vực này được quy hoạch hoàn toàn để phát triển du lịch, đồng thời liền kề đó là diện tích dành cho đất ở hỗn hợp. Như vậy, với tổng tỷ lệ đất sử dụng cho du lịch và thổ cư lên đến 70% quỹ đất toàn xã, chắc chắn trong tương lai nơi đây sẽ hình thành đại đô thị du lịch biển với hàng loạt các tổ hợp du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng đỉnh cao tương tự như cung đường Trần Phú (Nha Trang), đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng).
Nhà đầu tư vào “chờ sóng”
Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ sở hạ tầng vốn có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của của thị trường du lịch nói chung, BĐS nghỉ dưỡng nói riêng ở mỗi khu vực.
Điển hình từ năm 2015, khi cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây được khánh thành, giá đất Long Thành (Đồng Nai) tăng từ 20 – 40% so với giai đoạn 2012 – 2013, thậm chí có nơi tăng trên 60% cùng với thông tin quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành.
Trong khi đó, Bình Thuận cũng thống kê được mức tăng lượng du khách mỗi năm gần như gấp đôi so với thời điểm trước khi có cao tốc. Đây cũng là lý do giải thích tại sao thời gian gần đây khi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sắp xây dựng đã tạo nên làn sóng mạnh mẽ đầu tư vào Bình Thuận của cả các doanh nghiệp BĐS lớn lẫn NĐT cá nhân.
Chỉ trong 2 năm Bình Thuận có thêm 264 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng, khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 32.866 tỷ đồng. Trong đó cũng có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ như Vingroup, Novaland, FLC… đã chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.
Nhiều NĐT cá nhân vào “đón sóng” thị trường mới nổi này với kì vọng về biên lợi nhuận hấp dẫn trong tương lai.
Bên cạnh loạt các dự án nghỉ dưỡng đã tấn công các thị trường lâu năm như Phan Thiết, Mũi Né thì từ cuối năm 2019 đến nay khu vực Kê Gà bắt đầu nổi lên như một điểm đến mới. Các chuyên gia cho rằng, khu vực này hấp dẫn do mặt bằng giá còn thấp, vị trí nằm ngay cửa ngõ du lịch Bình Thuận, gần TP.HCM nên khi có cao tốc, nơi đây sẽ được hưởng lợi.
Các dự án lớn đang dần xuất hiện ở dọc bờ biển từ Kê Gà đến Tiến Thành, Mũi Né. Trong đó, nổi bật là siêu dự án NovaWorld Phan Thiết với quy mô 1.000ha đang được xây dựng tại biển Tiến Thành (Phan Thiết), NovaHills Mũi Né của tập đoàn Novaland; Một số dự án ở khu vực Kê Gà mới đây cũng được triển khai như Thanh Long Bay quy mô khoảng 90ha, khu căn hộ biển The Farosea với giá chào bán 990 triệu đồng/căn…
Ghi nhận cho thấy, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khu vực Hàm Thuận Nam có khoảng 10 dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn triển khai. Nguyên nhân chính tạo nên “cơn sốt” về sự dịch chuyển của các dự án BĐS đến từ đòn bẩy của câu chuyện hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư mạnh mẽ tại khu vực này. Đây cũng chính là lý do nhiều NĐT cá nhân vào “đón sóng” thị trường mới nổi này với kì vọng về biên lợi nhuận hấp dẫn trong tương lai.
Theo nhận xét của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, khoảng 10 năm qua các dự án tại khu vực Kê Gà – Hòn Lan (thuộc địa bàn huyện Hàm Thuận Nam) không thể triển khai được vì bất cập của quy hoạch. Tuy nhiên, ngay sau khi UBND tỉnh Bình Thuận gỡ bỏ quy hoạch dự án cảng biển nước sâu tại đây, Kê Gà chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút nhiều nhà đầu tư BĐS lớn.
Nhiều nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng đã trở lại vùng biển này, nhiều khu du lịch, resort, căn hộ biển đang xây dựng, một số cơ sở đã khởi sắc, cùng với đó các NĐS cá nhân cũng đang sốt ruột chờ cơ hội mới khi có sân bay Phan Thiết và đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây được hoàn thiện.
Không thể phủ nhận, Hàm Thuận Nam có lợi thế riêng và độc đáo thu hút đầu tư du lịch mà các nơi khác khó có được. Trước hết là bãi biển dài vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, sạch và an toàn. Bên cạnh đó, nơi đây còn sở hữu nhiều di tích, thắng cảnh lịch sử như, núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm có chiều dài đến 49m, khu nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại suối nước nóng Bưng Thị, bãi Đá nhảy, dinh Thầy Thím, ngọn hải đăng Kê Gà….
Song song đó, nơi đây đang có lợi thế rõ nét về tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhờ quỹ đất còn nhiều, giá đất còn mềm, quy hoạch bài bản, đồng bộ, cùng với đó là động lực rõ nét về hạ tầng giao thông đang hình thành từng ngày.
Ông Trần Minh Toàn, Chủ tịch kiêm TGĐ công ty CP Du Lịch Nhà Bè Bình Thuận cho rằng, những dự án BĐS nghỉ dưỡng ra thị trường đúng thời điểm mà các dự án cao tốc, hạ tầng giao thông được khởi công, hoặc sắp hoàn thành sẽ là mảnh ghép vừa vặn để NĐT vào đón đầu xu hướng tăng giá. Thực tế thị trường cũng đã chứng minh, việc BĐS biến động giá như thế nào phụ thuộc rất lớn vào câu chuyện hạ tầng, giao thông ở mỗi khu vực đó.
“Với những công trình giao thông huyết mạch thì tác động của nó đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng còn rõ nét hơn rất nhiều. Bởi đối với thị trường nghỉ dưỡng, giao thông thuận lợi sẽ kéo theo lượng khách đổ về tăng lên, từ đó sẽ tác động đến tỉ lệ lấp đầy phòng tại các khu vực dự án BĐS du lịch tọa lạc, lợi nhuận từ kinh doanh dịch vụ lưu trú sẽ tốt hơn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Hạ Vy
Theo Trí thức trẻ