Người giàu Việt Nam thích sở hữu chung cư cao cấp, hạng sang trong đô thị, khác với xu hướng tiến ra ngoại thành xây biệt thự của giới giàu có nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng trong tương lai, giá bất động sản hạng sang sẽ tiếp tục tăng và còn nhiều dư địa để phát triển.
Tại tọa đàm về Bất động sản hạng sang và không gian sống thượng lưu trong đô thị mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng người giàu Việt Nam thích ở chung cư hạng sang giữa lòng đô thị, đây là xu hướng lạ, thậm chí kém văn minh. So sánh với các nước khác trên thế giới, ông Nghĩa cho rằng người giàu sẽ đổ về các khu vực xa trung tâm, sống trong các căn biệt thự có diện tích lớn.
“Chung cư giữa lòng đô thị đúng ra là nơi ở của người nghèo, nơi họ dễ dàng sử dụng phương tiện giao thông công cộng”, ông Nghĩa nói.
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, cũng có chung nhận định, cho rằng người giàu có ở nước ngoài thường không thích sống trong các khu chung cư, bao gồm cả chung cư cao cấp, hạng sang hay siêu sang. Bởi bản chất của chung cư là hướng đến cuộc sống chung, trong khi người giàu thường thích những thứ đặc biệt, độc nhất vô nhị nên thông thường có xu hướng tạo ra các sản phẩm khác biệt.Bởi xu hướng thích sở hữu không gian sống ở trung tâm đô thị, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho giá bất động sản Hà Nội, TP HCM, đặc biệt là phân khúc hạng sang, trong tương lai còn cao hơn cả Singapore vì nhu cầu nhập cư tại các thành phố lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, giáo sư Võ cho rằng các quan niệm có thể thay đổi theo thời gian.
Bất động sản hạng sang không ế, tồn kho, thậm chí còn nhiều cơ hội
Nói về tiềm năng của bất động sản hạng sang, GS Đặng Hùng Võ cho rằng phân khúc này còn nhiều dư địa để phát triển bởi số lượng người giàu trong nước ngày càng nhiều, các hiệp định thương mại tự do kiểu mới cũng làm cho lao động nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, với lý do thứ hai, GS Võ cho rằng vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, Luật Nhà ở 2014 mở cửa rất rộng để cho người nước ngoài vào song Luật Đất đai vẫn đóng, hạn chế cho người nước ngoài sở hữu.