Hơn 20 năm qua, lúc nào mẹ cũng nấu mì cho tôi ăn. Vậy nhưng hôm nay tôi ăn bát mì mẹ nấu sao lại thấy khác đến vậy?
Về nhà thăm mẹ hay chỉ nhớ mùi mì mẹ nấu?
Suốt hơn 1 tuần qua, tôi phải đi công tác ở thành phố Lạc Dương. Sau buổi chiều làm việc khá căng thẳng, cuối cùng, tôi cũng hoàn tất xong công việc. Do từ thành phố Lạc Dương về quê nhà tôi rất gần nên tôi quyết định ghé về nhà, thay vì trở về Bắc Kinh như mọi khi.
Hoàng hôn rực rỡ dần bị khuất bởi các tòa nhà cao tầng. Chỉ có 1 chiếc xe buýt duy nhất đến thị trấn quê tôi, và đỗ cách nhà tôi còn khoảng một cây số. Rất lâu rồi, tôi mới trở về quê nhà để thăm bố mẹ .
Những dãy nhà cao tầng trong nhà phố, những dòng xe đông đúc người qua lại dần bị nhường bởi những cánh đồng lúa chín vàng rực.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet
Khi vừa xuống xe, tôi đã nghe thấy 1 giọng nói rất đỗi thân thuộc. Tôi quay nhanh lại và không ai khác là Bố – người luôn vứt bỏ mọi công việc để đi đón tôi.
Một tay vừa cầm hành lý, một tay nghe điện thoại di động, bố vui mừng báo với mẹ tôi: “Đã đón con rồi, hai bố con về ngay đây.”
Sau đó, bố đưa điện thoại cho tôi, qua điện thoại, mẹ hỏi tôi muốn ăn gì cho bữa tối. Tôi chỉ lí nhí nói: “Mẹ ơi, con muốn ăn mì”.
Mải vui chốn thành thị, đứa con quên mất cha mẹ của mình ở quê
Đã vài năm rồi tôi mới về quê. Phần vì công việc trên thành phố, phần vì tôi thích cuộc sống nhộn nhịp, phồn hoa nơi phố thị, nơi tôi có thể tự do đàn đúm với bạn bè. Con dốc trước cửa nhà vốn quen thuộc với tôi là vậy, mà sao hôm nay trông nó lạ lẫm quá.
Ngay khi vừa bước vào nhà, tôi thấy mẹ đang rất nôn nóng chờ tôi. Mẹ vồn vã hỏi tôi ngay: “Ngồi xuống đi con, ngồi xe lâu có mệt không?”
Tôi không trả lời mà chỉ nói: “Con đi rửa tay đây, đi đường xa mồ hôi ra nhiều quá ạ.”
Nhưng mẹ đã kéo tôi ngồi lại và ra hiệu cho tôi không cần di chuyển. “Mẹ mang nước ra cho con rửa, ngồi đấy thôi, đợi mẹ ra.”
Mẹ vội vàng bê chậu nước ra cho tôi, và cả chiếc khăn lau tay màu trắng tinh, rồi ngay sau đó mẹ lại tất tả chạy vào bếp để nấu ăn. Tôi biết rằng mẹ đang nấu mì cho cả nhà.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet
Mùi nước dùng mì bốc lên thơm phức, quện mùi quế hơi nồng- một mùi vị mà bao năm nay tôi không thể quên được.
Tôi vẫn còn nhớ khi tôi còn học cấp 2, một lần, mẹ bận chuyện đồng áng nên không kịp nấu ăn cho tôi. Do sắp muộn học mà vẫn chưa được ăn gì, nên tôi đã cáu giận với mẹ. Nhưng mẹ không giận gì tôi mà chỉ bảo tôi ngồi đợi mẹ nấu mì cho ăn.
Tính mẹ vốn rất cẩn thận nên mẹ không bao giờ mua mì đóng gói sẵn mà đều tự tay làm tất cả. Hơn 20 năm nay, tôi đều ăn mì do 1 tay mẹ nấu nhưng quả thực chưa bao giờ tôi nhìn mẹ nấu mì như thế nào cả.
Nghĩ vậy, tôi nhẹ nhàng ra sân thấy cửa bếp mở, tôi không vào mà đứng từ xa ngắm mẹ.
Đã nhiều năm trôi qua, căn nhà bếp của tôi vẫn treo những chiếc đèn cũ màu trắng đục. Tôi vẫn nhớ hệ thống đèn này do bố tôi làm và lúc đó tôi đã sung sướng như thế nào khi nhìn thấy nó. Vậy mà đến giờ nó vẫn chưa được thay.
Nhìn quanh nhà bếp, tôi thấy tường nhà đã bị ẩm mốc và ố màu theo năm tháng. Còn đồ đạc trong bếp đã xỉn màu và rất cũ. Vậy mà, bao lần gọi điện cho tôi, bố mẹ đều nói tôi không cần phải gửi tiền về vì ở nhà bố mẹ đầy đủ lắm rồi.
Trong căn bếp tối tù mù và nóng bức, tôi thấy mẹ đang cán bột mì. Mẹ dùng hết sức để cán bột và cắt thành sợi. Mồ hôi túa đầy trên mặt nhưng mẹ vẫn không dừng tay.
Thỉnh thoảng, tôi thấy mẹ cười tủm tỉm và trông như thể không có gì là mệt mỏi và nóng bức. Đột nhiên, mẹ nhìn ra và thấy tôi, mẹ vội vã hỏi tôi liệu tôi có phải đói đến mức không chịu được không?
Tôi không thể nói bất cứ điều gì. Tôi chỉ lắc đầu và quay lên nhà ngồi cùng bố.
Bát mì đong đầy tình yêu của bố mẹ và bài học dành cho những đứa con vô tâm
Một lúc sau, mẹ vui vẻ bưng vào một tô mì lớn. Tôi chạy vội ra để đỡ lấy. Nhưng cả mẹ và bố đều hét lên: “Con đừng động vào, bát rất nóng.”
Tôi lại ngồi xuống, mẹ đặt bát mì trước mặt tôi, còn bố thì lấy quạt, ra sức quạt cho bát mì hết nóng, để tôi chóng được ăn.
Ảnh minh họa – Nguồn: Internet
Không thể chờ đến khi bát mì nguội, tôi nhanh chóng cầm đũa, hít hà tô mì mà tôi thường nằm mơ được ăn và ăn ngấu nghiến. Đứng cạnh tôi, mẹ chỉ luôn mồm nhắc: “Ăn từ từ thôi con, cẩn thận nóng lắm.”
Còn bố thì không chịu ăn, cứ đứng bên cạnh để quạt cho tôi được mát.
Ăn được vài miếng mì, mẹ bất ngờ nhớ ra: “Phải rồi, cho một ít giấm vào sẽ rất ngon, con thích ăn giấm mà, để mẹ đi lấy nó.”
Mẹ quay vào bếp mang giấm và đổ vào bát của tôi, rồi mẹ lại nói: “Thế có nhạt không để mẹ thêm chút muối?”
Tôi chỉ lắc đầu và ăn tiếp.
Mẹ hối hả giục tôi: “Ăn nhiều thịt vào con cho có sức, đừng bỏ!”
Tôi gắp một miếng thịt và ăn. Bố mẹ rất vui và chỉ đứng nhìn tôi ăn dù tôi đã cố thuyết phục cả hai ngồi ăn cùng.
Hương vị của món mì mẹ tôi nấu vẫn vậy. Dù ở trên thành phố rất lâu, nhưng đến giờ tôi chưa bao giờ tìm được một quán mì nào nấu ngon được như mẹ tôi làm cả.
Khi tôi gần ăn xong bát mì, mẹ vội lấy giấy lau những giọt mồ hôi thấm trên má tôi, mà quên rằng mặt mẹ cũng đang đẫm mồ hôi. Vừa lau mẹ vừa nói: “Khổ thân con quá, trên phố chắc vất vả lắm. Giá mà ngày nào mẹ cũng được nấu mì cho con ăn.”
Mẹ vừa nói xong thì bố lại quát nhẹ mẹ: “Cái bà này buồn cười thế? Con nó còn bận làm lắm, làm sao có thời gian về ăn mì được.”
Lúc này, tự nhiên tôi không nuốt nổi miếng mì nào. Bố mẹ càng giục tôi ăn nốt, tôi lại càng không ăn được.
Tôi nghĩ đến cuộc sống của tôi trên thành phố. “Cái bận” mà bố mẹ tôi thường nghe tôi nói thực tế chỉ có 1 nửa là công việc.
Ngoài những giờ đi làm, tôi bận đàn đúm với bạn bè, tôi bận mua sắm, tôi bận đi xem phim, tôi bận đi chỗ này chỗ kia đến mức tôi quên mất gọi điện về hỏi thăm bố mẹ.
Rồi cả những lúc bố mẹ gọi điện lên cho tôi, họ chỉ nhận lại những lời đáp trả khó chịu của tôi như “Con bận lắm”, “Sao bố mẹ suốt ngày gọi thế, con có còn bé đâu.”
Cả những lần bố mẹ đòi lên thăm tôi thì tôi viện hết lí do này, lí do kia để bố mẹ không lên. Còn nếu bố mẹ lên thì tôi lại bận lí do phải đi làm.
Phải nói rằng tôi yêu cuộc sống tự do trên thành phố. Tôi mê mải đắm chìm cuộc sống nhộn nhịp, phồn hoa mà quên mất đi rằng bố mẹ tôi vẫn luôn mong ngóng tôi trở về mỗi cuối tuần.
Thậm chí, ông bà còn hay làm mì ăn mà tưởng tượng tôi đang ngồi đó vừa ăn vừa xuýt xoa như cái hồi tôi còn bé tí.
Bát mì thơm ngon đến vậy mà giờ đây tôi thấy đắng ngắt trong miệng.
Tự nhiên, tôi thấy sống mũi mình cay cay và một giọt nước mắt chảy ra….
Lời bàn
Với mỗi con người, những ngày thơ ấu gia đình, cha mẹ chính là thế giới của chúng ta. Nhưng khi trưởng thành cuộc sống mở ra những con đường khác nhau. Chúng ta phải rời xa gia đình thân yêu để bước vào cuộc sống bận rộn đầy hối hả.
Và thường chúng ta sẽ bắt nhịp và quen rất nhanh với nhịp sống tất bật ấy. Thời gian hối hả trôi nhanh và cũng cuốn chúng ta trong cái vòng tròn của công việc, cuộc sống và những đam mê.
Nhưng trong cái cuộc sống vô cùng bận rộn và hối hả mà chúng ta đã quen, dường như chúng ta quên mất rằng mình vẫn còn một nơi để cần chúng ta về, và quên mất rằng nơi đó cha mẹ vẫn ngày đêm mong ngóng chúng ta trở về.
Cha mẹ có thể không trách cứ chúng ta bởi muôn vàn lí do mà chúng ta đưa ra. Cha mẹ có thể sẽ không sống cả cuộc đời để ở bên chúng ta, nhưng chắc chắn một điều rằng, cha mẹ có thể dành tình yêu thương cho chúng ta đến hết cả cuộc đời.
Vì thế, hãy trân trọng những ngày tháng mà chúng ta còn cha mẹ. Dù đây không phải là điều gì quá to lớn. Nó có thể chỉ là 1 cuộc điện thoại để hỏi thăm hay là 1 chuyến trở về thăm cha mẹ.
Rồi sẽ có lúc bạn sẽ nhận ra rằng cha mẹ cần chúng ta cũng hệt như chúng ta cần cha mẹ khi còn nhỏ vậy.
Bao lâu rồi bạn không về nhà?
Hãy trả lời câu hỏi đó bằng một chuyến xe với hành trình mang tên là “Trở về”. Chắc chắn một điều rằng, bạn sẽ thấy hành trình này là không bao giờ là vô ích mà còn vô cùng ấm áp và hạnh phúc, bởi gia đình là nơi bình yên nhất mà bất cứ ai dù Bạn hay Tôi cũng muốn tìm về…Đánh giá tính cách một người qua chính đôi giày họ đi, bài học đơn giản mà ai cũng cần biết
Theo Minh Quyên
Trí thức trẻ