Kể từ khi Trung Quốc “khóa” mọi ngả đường nhập khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch dọc bên giới Việt – Trung từ cuối năm 2018, nhiều sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam không thể xuất khẩu.
Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa
Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, cho biết: Ngay từ năm 2018, chúng tôi xác định xây dựng và phát triển thị trường xuất khẩu chính ngạch là xu thế tất yếu, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.
Hiện nay, chúng ta mới có khoảng 20 mặt hàng nông, thủy sản chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc, tất cả các sản phẩm còn lại trước đây chúng ta xuất khẩu tiểu ngạch thì đang gặp khó khăn.
Do đó, chúng ta cần phải tổ chức tiêu thụ các mặt hàng này ở thị trường trong nước thông qua các hệ thống phân phối, để duy trì giá trị sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc. |
Cũng theo ông Toản, hiện nay cả nước có hơn 8.500 chợ, hơn 1.200 trung tâm thương mại, siêu thị và hơn 3.000 điểm bán sản phẩm kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63 tỉnh, thành phố.
Đơn cử như quả sầu riêng, chúng ta rất có lợi thế về thị trường, nhưng do thời điểm hiện tại chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, do đó các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ qua các chuỗi siêu thị của BigC, Vinmart, Aeon, Saigon Co.op, Hapro…
“Về giải pháp lâu dài, cần phải kiên trì đàm phán với Chính phủ Trung Quốc để nước bạn chấp thuận nhập khẩu chính ngạch thêm nhiềm sản phẩm của Việt Nam. Ví dụ, tới đây sẽ có thêm thạch đen, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch”, ông Toản nói.
Việt Nam cũng đã gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc hồ sơ và danh mục các loại nông sản ưu tiên theo lộ trình xuất khẩu chính ngạch như sầu riêng, chanh leo, bơ… để nước bạn xem xét, chấp thuận.
Mở rộng xuất khẩu sang các nước CPTPP
Sau khi đánh giá hồ sơ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tổ chức đoàn sang Việt Nam để kiểm tra thực địa tại các vùng sản xuất, cấp mã số vùng trồng, thanh kiểm tra tất cả các khâu trong quá trình tạo ra sản phẩm để đảm bảo đạt được tiêu chuẩn theo đúng yêu cầu.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc gặp khó, nhưng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 của cả nước vẫn đạt 30,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó có 6 nhóm sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm.
Đặc biệt, sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Canada cam kết xóa bỏ ngay thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là sản phẩm chủ lực như cá tra, tôm, cá hồi, cá kiếm, cua, mực…
Các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay tại thời điểm bắt đầu triển khai cam kết bao bồm: gạo và sản phẩm chứa gạo, mỳ, miến, bột sắn, bột ngô, cà phê, chè, tiêu, điều, rau, hoa quả, mật ong, đường…
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ ngay đối với một số sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam bao gồm cà phê, tiêu, điều, hành, tỏi, nấm, dưa chuột, sản phẩm hoa quả chế biến, đóng hộp. Các mặt hàng như cà chua, khoai tây, ngô, đậu xóa bảo lộ trình sau 5 năm.
Các quốc gia thành viên trong Hiệp định CPTPP như Mexico, Peru, Australia, New Zealand, Singapore, Malaysia, Chile, Brunei cũng cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Như vậy, các sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường quốc tế, chứ không bị lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như trước đây.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, nông sản Việt Nam muốn xuất khẩu và hưởng các ưu đãi về thuế quan của các nước thành viên CPTPP thì bắt buộc phải đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc.Trung Quốc siết hàng nhập khẩu, nông sản Việt lao dốc
Theo Minh Phúc
Nông nghiệp Việt Nam