“Nếu có thể, tôi sẽ đưa JPMorgan Chase trở thành một công ty tư nhân. Là một công ty đại chúng có rất nhiều mặt trái”…
Trong một sự kiện được tổ chức bởi Viện Tài chính Quốc tế vào cuối tuần trước, Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, liệt kê một loạt các nhược điểm của việc là một công ty niêm yết hiện nay.
“Nếu có thể, tôi sẽ đưa JPMorgan Chase trở thành một công ty tư nhân. Là một công ty đại chúng có rất nhiều mặt trái”, CEO của ngân hàng lớn nhất tại Mỹ tính theo tài sản chia sẻ. Một số mặt trái được ông đưa ra bao gồm yêu cầu “phiền hà” về việc báo cáo, những cuộc họp cổ đông như “trò hề” hay nguy cơ bị kiện tụng.
Tuy nhiên, theo CNN, tư nhân hoá không phải là một lựa chọn dành cho JPMorgan. Đây hiện là hàng lớn nhất và quan trọng nhất tại Mỹ. Và JPMorgan đang có vốn hoá gần 400 tỷ USD, con số quá lớn với bất kỳ nhà đầu tư nào để có thể mua lại.
Dù vậy, theo quan điểm của Dimon, số lượng các công ty niêm yết đại chúng tại Mỹ đang giảm dần, giảm khoảng 50% trong vòng 20 năm qua, theo số liệu của Vanguard.
Cũng tại sự kiện trên, CEO của Morgan Stanley – James Gorman, lại cho rằng có “nhiều điểm sáng” khi là một công ty niêm yết, như khả năng phát hành cổ phiếu và uy tín được đảm bảo bởi các tổ chức như Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Dù vậy, Gorman đồng tình rằng có một số nhược điểm của việc là công ty niêm yết, bao gồm phải dành nhiều thời gian và nguồn lực cho các báo cáo hàng quý. Ông cũng khuyến nghị nên giải toả bớt gánh nặng cho các công ty niêm yết bằng cách chỉ báo cáo doanh thu 3 quý một lần và báo cáo kết quả kinh doanh đầy đủ hai lần một năm.
“Một điều khôi hài về các báo cáo quý là chúng được đưa ra với một tần suất nhiều đáng báo động”, Gorman nói.
CEO của Morgan Stanley cũng đề cập đến gánh nặng của việc tổ chức các cuộc họp cổ đông với số lượng người tham gia ít ỏi.
“Số lượng nhân viên an ninh tại các cuộc họp cổ đông của chúng tôi thậm chí còn nhiều hơn số cổ đông tham dự”, Gorman cho biết. “Điều này thật buồn cười. Anh ngồi đó và nói trước vài ba người”.
Cũng tại sự kiện này, Dimon cho biết một điều mà các cổ đông đang quan tâm hiện nay là kinh tế Mỹ sẽ còn tăng trưởng trong bao lâu nữa, sau khi trải qua thời kỳ tăng trưởng liên tục dài nhất trong lịch sử nước này.
Ông thừa nhận rằng các doanh nghiệp đang giảm đầu tư với quan ngại về chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, ông cho rằng chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình Mỹ vẫn rất mạnh và đóng góp phần lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Đó là lý do CEO của JPMorgan cho rằng đầu tư sụt giảm của các doanh nghiệp “sẽ không thể” khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Và nếu có suy thoái, ông tin rằng các chính sách cứng rắn được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ ngăn chặn việc xảy ra một cuộc khủng hoảng khác.
“Vụ việc như ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ sẽ không xảy ra”, CEO 63 tuổi nhận định và chỉ ra nguyên nhân là nhờ các quy định về vốn và uỷ quyền cho Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) thâu tóm một ngân hàng có nguy cơ sụp đổ giống Lehman Brothers.Lược sử ngành ngân hàng (P2): JPMorgan làm thay nhiệm vụ của Fed
Theo Minh Nhật
VnEconomy