Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đến nay, cả nước đã có 35/63 tỉnh, thành phố ban hành chính sách liên kết chuỗi giá trị nông sản (trong đó, có 33 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân); 24 tỉnh, thành phố ban hành danh mục các ngành hàng sản phẩm chủ lực; 12 tỉnh, thành phố ban hành phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết.
Các chuỗi liên kết còn yếu và thiếu
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước đã có 2.975 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 1.082 doanh nghiệp (gần 12% số doanh nghiệp nông nghiệp). Đối với các chuỗi nông sản an toàn, trên địa bàn cả nước có 1.478 chuỗi được chứng nhận (theo các quy trình an toàn như VietGap, GlobalGap… nhưng chỉ khoảng 3-5%), với 1.462 sản phẩm (chủ yếu tập trung vào các loại rau, củ, quả, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu…), và 3.267 địa điểm bán sản phẩm nông sản kiểm soát an toàn theo chuỗi tại 63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, việc tổ chức liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn bộc lộ một số hạn chế. Khả năng liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều (khoảng 11-14% sản lượng nông nghiệp Việt Nam tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết). Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết còn phổ biến dẫn tới sản xuất nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại sao?
Doanh nghiệp lớn chưa mặn mà trong lĩnh vực nông nghiệp
Sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển, số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước (gần 11.000 doanh nghiệp). Quy mô các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 96% số các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, và chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ, thay vì từ khâu sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún
Người sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ (9.2 triệu hộ), phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Sản xuất nhỏ thì chi phí cao; sản xuất tự phát sẽ không tuân thủ một quy trình chung để bảo đảm chất lượng, khó kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán. Người sản xuất nhỏ lẻ với nhận thức kém, thiếu thông tin thị trường và chạy theo lợi ích trước mắt nên thường phá vỡ liên kết khi giá sản phẩm gia tăng đột biến, tự ý bán phá giá cho các thương lái khác khi giá bán cao hơn thường xuyên xảy ra. Điều này dẫn đến hậu quả tình trạng “Được mùa mất giá”, hiệu quả kinh tế không cao, chưa tạo được tính bền vững trong các chuỗi liên kết.
Qua nhiều trung gian
Tình trạng tiêu thụ sản phẩm vẫn còn qua nhiều khâu trung gian phân phối nên giá bán thực tế cao hơn nhiều so với giá thu mua tại cơ sở sản xuất, sức cạnh tranh chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc qua nhiều trung gian với hệ thống logistic chưa phát triển dẫn đến giảm chất lượng hàng hóa.
Ngành logistics chưa phát triển, chi phí logistics quá cao
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, cục trưởng cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, vấn đề nổi cộm nhất là chi phí. “Chi phí logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp hiện nay đang ở mức 20-25% tổng chi phí, là con số khá cao so với mức trung bình 10-15% toàn khu vực”. “Chỉ khoảng 14% nhà sản xuất hiện tại có liên kết với chuỗi kho lạnh, đa số các doanh nghiệp logistics hiện xem chuỗi làm lạnh là một chi phí bị đội thêm chứ không phải giá trị gia tăng cho dịch vụ của mình”.
ĐBSCL là vùng nông nghiệp trọng điểm nhưng thiếu kết nối giữa nội vùng với các khu vực. Về kết nối hạ tầng, một ví dụ được điển hình là khu vực ĐBSCL – vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nhưng hạ tầng giao thông, hệ thống cảng bị phân tán và thiếu cảng biển khiến chi phí vận chuyển bị đội lên khoảng 7-10USD trên mỗi tấn nông sản.
Tỷ lệ bảo quản, chế biến thấp
Phần lớn sản phẩm nông nghiệp chưa được bảo quản chế biến một cách khoa học nên tổn thất rất cao cả về số lượng (11-13% với lúa, 13-15% với ngô, 25-30% với rau) và về chất lượng (nhiễm aflatoxin, mốc, mọt…). Tỉ lệ cà phê chế biến sâu quá thấp, chưa đạt 10%, trong khi giá trị gia tăng phần lớn nằm ở công đoạn này. Với các cây trồng khác cũng có tình trạng tương tự.
Các mặt hàng rau quả, thịt khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 – 10% sản lượng hằng năm. Số cơ sở chế biến nông lâm thủy sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình chiếm khoảng 95% số cơ sở. Hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm, bằng 1/2 đến 1/3 của các nước khác. Một số cơ sở chế biến của một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm, thiết bị cũ, công nghệ kỹ lạc hậu, tốn nhiều nguyên liệu, năng lượng, năng suất thấp. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn, tùy lĩnh vực ngành hàng nhưng nhìn chung giao động từ 10 – 20%.
Kênh phân phối hiện đại chưa phát triển
Ở các thị trường lớn như TP.HCM, hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, … có giới hạn về năng lực tiêu thụ thực phẩm, mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% lượng cầu. Vẫn còn khoảng 70% nông sản thực phẩm được phân phối theo kênh thương mại truyền thống – các chợ dân sinh, chưa được kiểm soát chặt chẽ về ATTP.
Đối với kênh bán lẻ, hiện trạng trà trộn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc để cung cấp cho người tiêu dùng vẫn khá phổ biến và vượt khả năng kiểm soát của cơ quan chức năng. Phần lớn nông sản thực phẩm không có bao bì, thương hiệu, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn sinh học. Rau củ quả từ các tỉnh vận chuyển đến thị trường tiêu thụ bằng các phương tiện vận tải không chuyên dùng, không đảm bảo an toàn. Riêng sản phẩm thịt, dù hoạt động truy xuất nguồn gốc được thực hiện khá tốt nhưng còn hạn chế căn bản là không truy xuất được từ người sản xuất, mà thực chất chỉ truy xuất từ thương lái thu gom đến giết mổ và phân phối đến chợ đầu mối. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc càng trở nên khó khăn hơn khi sản phẩm chăn nuôi trước giết mổ đến từ rất nhiều tỉnh thành.
Thông tin thị trường, sản phẩm và niềm tin người tiêu dùng
Theo báo cáo do FMI (Label Insight and the Food Marketing Institue) công bố năm 2018, 75% người mua hàng được khảo sát cho biết họ sẽ mua sắm hàng hóa các thương hiệu cung cấp thông tin sâu hơn về sản phẩm, về nguồn gốc xuất xứ thay vì các thông tin chung chung. Báo cáo Logistics 2019 do bộ Công Thương thực hiện dẫn kết quả khảo sát người tiêu dùng cho biết 49% người tiêu dùng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, 47% cho biết muốn tra cứu nhưng không có đủ thông tin, 74,8% cho rằng rất khó để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Cơ bản người tiêu dùng hiện nay thiếu thông tin về sản phẩm, chưa biết cách nhận diện sản phẩm an toàn chất lượng cao, chưa nắm được địa chỉ cơ sở sản xuất uy tín. Chính vì thế, nhiều người tiêu dùng có xu hướng ‘lựa chọn đảo ngược’, thích các sản phẩm giá rẻ.
Thị trường xuất khẩu
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Mỹ chiếm 21,9%; EU chiếm 11,7%; ASEAN chiếm 10,1%; Nhật Bản chiếm 8,8% và Hàn Quốc chiếm 5,8%.
Xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây đang tập trung quá nhiều vào một thị trường (Trung Quốc).
Chỉ 5% nông sản xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế
Hơn 80% lượng nông sản của Việt Nam chưa xây được xây dựng thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, …
Trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hoá được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.
Nông sản Việt đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào dưới dạng nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại.
Nông sản Việt chưa có một đơn vị cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới 1 cái tên riêng nào đó của Việt Nam. Ngoại trừ ngành lúa gạo, năm 2018, Bộ NN-PTNT đang chủ trì xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Ngành nông sản Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đó là hoạt động sơ chế, chế biến, kênh tiêu thụ sản phẩm, tiêu dùng nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống nên chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, thiếu nhãn mác để nhận diện sản phẩm.
Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có sức cạnh tranh kém, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không nhiều và thường có giá trị xuất khẩu không cao; chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn thấp và an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát triệt để, giá cả bấp bênh, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định bền vững.
Cần những doanh nghiệp đầu tàu
Để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ thành công, thì vai trò của doanh nghiệp lớn là rất quan trọng. Ơ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, thì trong mỗi ngành hàng đều có doanh nghiệp dẫn đầu để dẫn dắt thị trường phát triển, nhất là gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam trong một thời gian dài chủ yếu dựa vào doanh nghiệp nhà nước, kế đến là nhà đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng doanh nghiệp FDI gần như không quan tâm đến nông nghiệp, vì hiện doanh nghiệp FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,5% tổng số dự án đăng ký. Chúng ta cần nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tầm cỡ như Vingroup, Vinamilk, TH Group, Vissan, TTC, Lộc Trời, Lavifood, CPV, Vinamit, …
CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO “ĐẦU RA CHO HÀNG NÔNG SẢN CÁC TỈNH KHU VỰC PHÍA NAM”
Ngày 29/7/2020 tại Phân hiệu Vĩnh Long – UEH, Số 1B, Nguyễn Trung Trực, Phường 8, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
Để góp phần thực hiện thành công chương trình liên kết “6 nhà” trong chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh Hội phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo “Đầu ra cho nông sản các tỉnh Khu vực phía Nam”. Hội thảo được xác định nằm trong chuỗi sự kiện các hoạt động ngành Công thương các tỉnh Khu vực phía Nam được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long.
Mục tiêu chính của Hội thảo bao gồm:
- Tìm hiểu thực trạng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực của các tỉnh khu vực phía Nam;
- Tìm ra những vướng mắc trong mối liên kết “6 nhà” tại các tỉnh khu vực phía Nam và giải pháp tháo gỡ;
- Vai trò của các doanh nghiệp, trang trại và hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản;
- Hợp tác giữa nhà nước và nhà khoa học trong việc thúc đẩy chuỗi giá trị ngành hàng nông sản để tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho đầu ra của ngành nông nghiệp tỉnh các tỉnh khu vực phía Nam