Ngày 28/08 vừa qua, Home Credit Việt Nam đã triển khai chương trình “Đường đến tương lai” nhằm trao học bổng và nhiều phần quà ý nghĩa cho các em học sinh tại, xã Buôn Klia, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Toàn bộ quà tặng đến từ sự đóng góp của tập thể lãnh đạo và nhân viên Home Credit Việt Nam. Đến tham dự sự kiện có đại diện chính quyền địa phương, thầy cô, phụ huynh, học sinh các trường trong khu vực và một số nhân viên công ty Home Credit Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk.
Tại sự kiện, đại diện Home Credit Việt Nam đã trao 8 phần học bổng cho các em học sinh thuộc diện khó khăn có thành tích xuất sắc trong học tập tại địa phương. Bên cạnh đó, tập thể công ty còn tặng 140 phần quà gồm dụng cụ học tập và sữa cho các em học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các nhà tài trợ cũng đã trao tặng 10 triệu đồng cho các hoạt động phát triển giáo dục tại trường tiểu học Y Ngông như nâng cấp thư viện và xây dựng Quỹ khuyến học. Tổng giá trị tài trợ lên đến hơn 100 triệu đồng.
Chương trình ý nghĩa này cho thấy truyền thống “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp đã được duy trì nhiều năm tại Home Credit Việt Nam. Các “Mạnh Thường Quân” tập trung tài trợ những hoạt động hỗ trợ giáo dục có hiệu quả bền vững nhằm mang lại tương lai tươi sáng hơn cho các em học sinh người dân tộc thiểu số.
Cô Lý Ái Hương, Hiệu trưởng trường tiểu học Y Ngông cho biết: “Cá nhân tôi cùng các thầy cô thị xã Buôn Hồ rất trân trọng và cảm ơn sự quan tâm của tập thể lãnh đạo, nhân viên công ty dành cho các em học sinh suốt 3 năm qua. Chúng tôi tin rằng nghĩa cử cao đẹp này sẽ góp phần giúp con đường đến tương lai của các em rộng mở hơn, bớt khó khăn hơn như thông điệp gửi gắm qua tên gọi của chương trình. Hy vọng rằng truyền thống ý nghĩa này sẽ được tiếp nối lâu dài để ngày càng có nhiều em học sinh nhận được sự hỗ trợ trong tương lai”.
Nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, vùng đất Đắk Lắk có địa thế đồi núi và đông đảo đồng bào dân tộc sinh sống. Đây là vùng đất giàu truyền thông văn hóa và giáo dục, là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận. Tuy vậy, đời sống của nhiều gia đình vẫn còn khó khăn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục của địa phương này nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của Nhà Nước cũng như các cơ quan, doanh nghiệp. Đến nay, địa phương đã có nhiều biến chuyển và kết quả tích cực trong công tác Giáo dục: vào cuối năm 2018, 100% các huyện, thị xã, thành phố tại Đắk Lắk giữ vững kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, năm 2019, Đắk Lắk có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 88.87%.
Theo NT/ Home Credit