Trao đổi với báo chí, TS Sái Công Hồng, Vụ phó Vụ Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tới đây, tất cả các môn học đều có đánh giá bằng nhận xét thay vì chỉ đánh giá bằng nhận xét ở một số môn học như trước đây. Việc đánh giá là vì sự tiến bộ của học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT. Thông tư 26 thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Học sinh sẽ được đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau và có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân. Từ đó, kết quả của hoạt động kiểm tra, đánh giá sẽ sát thực với năng lực của học trò, giúp các em hình thành, phát triển được phẩm chất, năng lực cơ bản cần thiết trong cuộc sống.
Đáng chú ý, Thông tư 26 không chỉ yêu cầu đánh giá bằng nhận xét chung chung mà quy định cụ thể: Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập.
TS Sái Công Hồng cho biết: “Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực của người học. Trong đó chú trọng hướng dẫn kỹ thuật đánh giá bằng nhận xét giúp cho giáo viên một vài môn học dù phải dạy nhiều lớp vẫn thực hiện tốt hoạt động này. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tập huấn, hướng dẫn giáo viên đẩy mạnh việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá; Bảo đảm thực hiện thành công công tác này cho chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Thông tư 26, lần đầu tiên hình thức kiểm tra viết được cho phép thực hiện trên máy tính. TS Sái Công Hồng cho rằng, điều này nhằm tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy nói chung và hoạt động kiểm tra, đánh giá nói riêng. Việc ứng dụng CNTT trong kiểm tra đánh giá hợp lý, sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh và đặc biệt phát triển rất tốt năng lực tự học của người học. Đây sẽ là tiền đề cho các địa phương, các nhà trường đủ điều kiện trong tương lai có thể tổ chức đánh giá học sinh trên máy tính.
“Tuy nhiên, hoạt động này chỉ nên thực hiện ở những trường bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Do đó, việc áp dụng Thông tư này cần linh hoạt, không cứng nhắc khi sử dụng phương thức tổ chức bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ trên máy tính”, TS Sái Công Hồng lưu ý.
Lê Vân/ Báo Tin tức