Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, nhiệm vụ thu ngân sách trong những tháng cuối năm 2020 vô cùng nặng nề. Ngành Tài chính đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nỗ lực thu ngân sách ở mức cao nhất.
Thu ngân sách giảm
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 9-2020, tổng thu ngân sách ngành Thuế thực hiện đạt 833.165 tỷ đồng, bằng 66,4% so với dự toán, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn so với cùng kỳ những năm gần đây. Một số sắc thuế phản ánh tình hình kinh tế, như thuế giá trị gia tăng giảm 13,9%, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy lý giải, nền kinh tế chịu tác động lớn của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp suy giảm. Cùng với đó, việc triển khai các gói hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân cũng khiến số thu ngân sách sụt giảm.
Trong khi đó, số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng không mấy khả quan. Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, từ đầu năm đến ngày 26-10, số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 247.219 tỷ đồng, bằng 73,1% dự toán, đạt 69,7% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 13,59% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở phạm vi toàn cầu đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Từ đó, tác động đến tình hình thu ngân sách.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, ước tính cả năm 2020 thu ngân sách nhà nước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Mặc dù, cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán. Nhiều địa phương trọng điểm về thu ngân sách đều đạt tỷ lệ thấp so với dự toán.
Trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, tăng cường kỷ luật tài chính, điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, do các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 4,99% tổng sản phẩm trong nước (GDP), tăng 1,55% so với dự toán.
Nuôi dưỡng nguồn thu
Trong bối cảnh đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nuôi dưỡng nguồn thu bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh là yếu tố quan trọng. Cùng với đó, cơ quan thuế tăng cường tuyên truyền những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Đặc biệt, cần triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm tránh thất thu ngân sách; đồng thời tập trung quản lý đối với giao dịch liên kết, nhất là chống chuyển giá.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, để nuôi dưỡng nguồn thu, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách về hỗ trợ người nộp thuế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng cục tiếp tục rà soát tình hình thực hiện thu ngân sách năm 2020, đánh giá tình hình thực hiện năm 2021 và kế hoạch trung hạn 2021-2023; theo dõi chặt chẽ tiến độ, phân tích đánh giá tình hình thu của từng địa bàn; đồng thời yêu cầu các địa phương cập nhật đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến công tác thu ngân sách năm 2020, trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu cho Bộ Tài chính kịch bản điều hành trong những tháng cuối năm 2020.
Về phía địa phương, theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường, trong những tháng cuối năm, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi thuế (miễn, giảm), hoàn thuế kịp thời, đồng thời tăng cường quản lý đối tượng nộp thuế, giám sát kê khai thuế thường xuyên và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, quản lý thu hiệu quả đối với các hộ kinh doanh…
Liên quan đến thu ngân sách, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã lập 6 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thu ngân sách; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của thành phố Hà Nội.
Trong khi đó, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện các chính sách, giải pháp về thủ tục hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tập trung chống thất thu, kiểm tra sau thông quan, không để nợ thuế xuất, nhập khẩu phát sinh. Đặc biệt, toàn ngành thực hiện nghiêm, quyết liệt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.
Theo Bộ Tài chính, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chủ động điều hành chi ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, đi đôi với rà soát các khoản thu; đánh giá sát hơn khả năng thu ngân sách, nhất là thu tiền bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu thu ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất trong những tháng còn lại của năm 2020.