Những ngày cuối năm, Cảng cá Thọ Quang tấp nập tàu cá đến và đi, người ngư dân mong đợi chuyến ra khơi vào những ngày này sẽ bù đắp phần nào cơm áo, gạo tiền sau chuỗi ngày chịu cảnh dịch bệnh, mưa lũ.
10h sáng 15/12, dưới mép nước tại Cảng cá Thọ Quang, tàu, thuyền với “đầy bụng” tôm, cá tấp nập cập bến. Những người phụ nữ miền biển với làn da rám nắng từ bao giờ đã chờ sẵn trên bờ để hỗ trợ cánh đàn ông “giải phóng” lượng hải sản sau ngày dài vươn khơi.
Lúc này, xe kéo, xe tải chuyên dụng cũng hối hả đến “ăn hàng”. Khung cảnh náo nhiệt, hỗn loạn, mỗi người đều cố gắng nhanh tay, họ vui mừng nghĩ về lợi nhuận cuối ngày, nghĩ về cái Tết âm no sắp đến.
Lão ngư Nguyễn Văn Huy (trú quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) không giấu nổi niềm phấn khởi sau chuyến bám biển gần 20 ngày.
“Chuyến đi lần này ai cũng mong đợi nhiều lắm! Đây là chuyến đi đầu tiên sau nhiều ngày “nằm bờ” vì dịch bệnh, mưa lũ. Trời thương, về lần này “trúng đậm” tôm cá, thế là anh em chúng tôi lại có đồng ra đồng vào trang trải. Mỗi lần như thế, chúng tôi lại cảm thấy vui và gắn bó với nghề nhiều hơn”, ông Huy cười nói.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, ngư phủ Nguyễn Hùng (trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho rằng, đây là “thời điểm vàng” để tàu, thuyền ra khơi hướng thẳng đến các vùng biển có nhiều tôm, cá để khai thác.
Cũng chính bởi việc cần mẫn bám biển và tận dụng triệt để những “ngón nghề” của mình sau thời gian “ăn nằm” với biển, gia đình lão ngư này không chỉ sống được nhờ “lộc” biển ban mà ông còn chung vốn đóng mới thêm 2 chiếc tàu vỏ gỗ công suất lớn để bám biển sản xuất.
“Năm nay do tình hình dịch bệnh và mưa bão liên tục nên tàu của mọi người ít ra khơi, chủ yếu là nằm bờ hoặc đánh bắt gần bờ. Chuyến này tàu của tôi đi 8 ngày và đánh bắt được hơn 1 tấn cá bò. Trừ chi phí thu nhập anh em cũng được vài triệu. Từ đây tới Tết chắc đi được 2 chuyến nữa”, ông Hùng vừa nói vừa luôn tay bốc cá lên bờ bỏ cho thương lái.
Đối với người dân “sống biển’, những phiên đi biển cuối năm là “nguồn thu” quyết định cho mùa Tết của cả gia đình vì thế hy vọng cũng nhiều thêm.
Trong khi một số tàu cập bến chuyến cuối cùng, số khác lại tất bật chuẩn bị ngư cụ để ra khơi. Theo các chủ tàu, nếu ra trúng luồng cá thì chỉ 10 ngày có thể vào bờ, ngược lại thì đi từ 15 đến 20 ngày, có khi cả tháng mới quay về, họ đều mong sẽ về kịp để ăn Tết cùng gia đình.
“Ra biển những ngày cuối năm, ngư dân chúng tôi ai cũng mong muốn có chút gì đó để mang về. Chúng tôi nỗ lực bám biển thì chắc chắn biển sẽ không phụ lòng người. Chuyến này mà kịp về đón tân niên với nhà thì còn gì bằng”, anh Nguyễn Văn Tài (trú tỉnh Quảng Ngãi) mong đợi.
Quá trưa, hoạt động tại Cảng càng lúc càng náo nhiệt như chưa bao giờ ngưng nghỉ. Tàu, thuyền cập bến, trên khuôn mặt người ngư dân hiện đầy vẻ mệt mỏi sau khi kết thúc những đêm dài lênh đênh đối mặt với sóng gió để kiếm tìm “lộc biển”.
Nhưng nếu tinh mắt để ý kỹ, trong mắt các ngư phủ này lại ánh lên niềm hy vọng, sự thỏa mãn về chuyến ra khơi được mùa. Họ vui mừng vì những mẻ tôm, cua, cá còn tươi rói đã kịp đưa về bán khắp nơi và hơn cả là có một mùa Tết ấm cùng gia đình không xa
Diệu Bình/https://danviet.vn/.