Từ tháng 11 đến cuối năm, Kiên Giang thí điểm 2 giai đoạn đón khách nội địa nhằm phục hồi ngành du lịch sau nhiều tháng tê liệt vì dịch Covid-19.
Ngày 20/10, Phó bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết Sở Du lịch tỉnh này đã có tờ trình về việc chuẩn bị phục hồi và thu hút khách du lịch nội địa. Dự kiến cuối tháng này Thường trực Tỉnh ủy sẽ họp để xem xét thông qua.
Đón khách từ 1/11
Theo tờ trình của Sở Du lịch Kiên Giang, đơn vị này đề xuất cấp trên cho ý kiến về thị trường khách du lịch nội địa, lộ trình triển khai thực hiện, địa điểm đón khách. Về tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động kinh doanh du lịch, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chưa ban hành nên Sở đề xuất cho phép triển khai áp dụng bộ tiêu chí do đơn vị dự thảo.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng mong muốn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xem xét ưu tiên tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia phục vụ du khách.
Nếu được Tỉnh ủy Kiên Giang phê duyệt kế hoạch đón khách nội địa nhằm phục hồi ngành du lịch, địa phương sẽ triển khai 2 giai đoạn thí điểm thu hút khách du lịch từ 1-30/11 và 1-30/12. Trong đó, giai đoạn đầu thí điểm đón khách nội tỉnh, ngoài tỉnh từ các địa phương có cấp độ dịch ở mức nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2).
Chính quyền Phú Quốc chuẩn bị tiêm vaacine mũi 2 cho 100% dân số có chỉ định trên đảo để mở cửa đón khách du lịch trở lại. Ảnh: Việt Tường. |
Giai đoạn này, ngành du lịch Kiên Giang khuyến khích khách đi du lịch mua tour theo chương trình trọn gói của các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành. Sau khi kết thúc thí điểm đợt đầu sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất xem xét mở rộng khai thác đến các thị trường mục tiêu phù hợp với tình hình thực tế.
Địa điểm đón khách trong giai đoạn này là các khu vui chơi giải trí, điểm du lịch thuộc vùng xanh để thực hiện việc mở cửa đón khách du lịch nội địa như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải.
Trong giai đoạn 2, trên cơ sở kết quả triển khai của giai đoạn 1 và tình hình thực tế tại các địa phương, tỉnh sẽ đề xuất mở rộng các thị trường khách phù hợp với tình hình mới. Trong đó, Kiên Giang đặc biệt quan tâm các thị trường truyền thống trước đây đã có kết nối đường bay trực tiếp đến Phú Quốc là Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hải Phòng…
Trong đó, tỉnh chú trọng phân khúc khách du lịch là người Việt Nam, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam với các chương trình nghỉ dưỡng tham quan du lịch dịp giáng sinh và Tết dương lịch, du lịch hè.
Địa điểm đón khách du lịch giai đoạn này sẽ mở rộng phạm vi đón khách tại các khu, điểm tham quan, du lịch, vui chơi giải trí thuộc các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh như Rạch Giá, Hòn Đất, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải, U Minh Thượng. Khách du lịch có thể đi theo đoàn, theo chương trình tour của các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành hoặc tự tổ chức chuyến tham quan du lịch đảm bảo các tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch theo quy định.
Vaccine là tiêu chí hàng đầu
Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, ngành du lịch Kiên Giang áp dụng quy định của UBND tỉnh này trong việc khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách để làm tiêu chí đón khách. Đó là khách tham gia giao thông đường bộ và đường thủy nội địa (trừ tuyến từ bờ ra đảo) chỉ cần tiêm một liều vaccine phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng nửa năm.
Đối với tuyến ra đảo, hành khách phải tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh trong 6 tháng, kèm giấy xét nghiệm âm tính nCoV trong thời hạn 72 giờ. Giấy xét nghiệm này cũng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi đi cùng cha, mẹ ra đảo.
Sở Du lịch Kiên Giang cũng lên kế hoạch vận động các đơn vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, ăn uống, mua sắm, vận chuyển, khu, điểm du lịch và các dịch vụ có liên quan khác trên địa bàn tỉnh và soát cũng cố, làm mới lại sản phẩm, dịch vụ.
Ngành du lịch Phú Quốc dự kiến hồi sinh vào cuối năm 2021. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Các doanh nghiệp cũng phải nghiên cứu xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới; đẩy mạnh các hình thức quảng bá trực tuyến kết hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin mạng xã hội, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá với các chương trình khuyến mãi, giảm giá thông qua các ngày hội, hội chợ khuyến mãi, ngày bán hàng giảm giá, tháng khuyến mãi… nhằm thu hút khách du lịch.
Tỉnh Kiên Giang dự kiến khuyến khích các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí cơ cấu lại giá vé vào cổng, giá, phí dịch vụ cho khách du lịch nội địa; có chính sách miễn, giảm giá vé cho từng đối tượng (người cao tuổi, trẻ em…), khách đi theo đoàn, khách cư trú trong tỉnh, khu vực miền Tây, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng lao động chuẩn bị sẵn sàng cho công tác đón và phục vụ du khách trở lại.
Địa phương này còn dự kiến tổ chức các chương trình giới thiệu và kết nối điểm đến du lịch Kiên Giang đến các tỉnh, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long bằng các hình thức phù hợp, để thu hút khách du lịch nội địa.