Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng việc mở thêm một số hoạt động như quán ăn phục vụ tại chỗ, bán vé số sẽ tạo ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân, giảm gánh nặng an sinh.
Chiều 19/10, UBND TP.HCM họp với TP Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân.
“Ví dụ việc bán vé số cần nghiên cứu vì nó sẽ mở ra việc làm, cơ hội tăng thu nhập cho nhiều người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội, cần đánh giá kỹ lưỡng để mở các dịch vụ, hoạt động sinh kế”, ông đề nghị.
Tập trung phục hồi kinh tế
Nói về các nhiệm vụ thành phố cần tập trung trong 3 tháng cuối năm, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị TP Thủ Đức cùng các quận, huyện, sở, ngành tập trung phục hồi kinh tế. Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, nguồn lực lao động và tháo gỡ các vướng mắc cụ thể để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Cần đánh giá kỹ lưỡng để mở các dịch vụ, hoạt động sinh kế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi
Ông đề nghị quan tâm xúc tiến đầu tư, đầu tư mới, đầu tư mở rộng các dự án lớn khác; tập trung triển khai các dự án đầu tư công, làm việc với từng chủ đầu tư, đảm bảo từ nay đến cuối năm giải ngân 95%; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm cũng như các dự án được tư nhân đầu tư.
Về tài chính, ông Mãi yêu cầu các cơ quan sớm báo cáo thu chi ngân sách năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiến hành các biện pháp tăng nguồn thu từ đất, đấu giá… Ngành y tế và các ngành liên quan phải có hướng dẫn, quản lý tài sản hình thành khi phòng chống dịch.
UBND TP.HCM tổ chức hội nghị về tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm. Ảnh: HMC. |
Cuối cùng, ông Mãi yêu cầu thành phố hoàn thiện đề án trung tâm tài chính, tiếp tục đeo bám việc điều chỉnh tỷ lệ ngân sách để lại; phân công các sở, ngành tham mưu rà soát lại các văn bản còn nợ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Viện nghiên cứu phát triển TP được giao hoàn thiện kế hoạch xây dựng kinh tế gắn với kế hoạch phục hồi kinh tế năm 2021-2025.
Thay đổi mỗi tuần sẽ rất khó khăn
Báo cáo với UBND TP.HCM, Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết từ khi thành phố ban hành Chỉ thị 18, địa phương này đã 3 lần đánh giá cấp độ dịch. Trong lần đánh giá gần nhất, TP Thủ Đức có 27 phường cấp 1 và 7 phường cấp 2. TP Thủ Đức cũng giao các phường đánh giá cấp độ dịch đến từng khu phố để quản lý. Theo Quyết định 4800 và Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP Thủ Đức đạt cấp độ 1 – bình thường mới.
Làm sao để công tác phòng chống dịch phù hợp và có tính ổn định cao.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức
TP Thủ Đức kiến nghị TP.HCM sớm có hướng dẫn áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ. Ông Tùng phân tích Chỉ thị 18 và Nghị quyết 128 “có độ vênh” nên mong TP.HCM sớm có hướng dẫn để địa phương có thể triển khai các hoạt động sau khi đánh giá cấp độ dịch hàng tuần. Ngoài ra, ông Hoàng Tùng mong TP.HCM sớm bổ sung ngân sách để Thủ Đức chi tiền chống dịch.
Cũng nói về vấn đề đánh giá cấp độ dịch, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết hiện nhiều địa phương đánh giá cơ bản ở cấp độ 2. Nghị quyết 128 yêu cầu mỗi tuần đánh giá một lần nhưng ông cho rằng quy định thì không thể thay đổi liên tục.
Ông Đức đề xuất Chủ tịch UBND TP.HCM cho phép họp, thảo luận với các nhóm về y tế, khôi phục kinh tế để thảo luận và công bố kế hoạch thực hiện Nghị quyết 128 kết hợp với Chỉ thị 18 vào thứ 5 (21/10).
“Làm sao để công tác phòng chống dịch phù hợp và có tính ổn định cao, còn nếu một tuần thay đổi một lần sẽ rất khó khăn”, ông Đức nói.
Chủ tịch TP.HCM giao ngành y tế và các đơn vị liên quan phải có hướng dẫn, quản lý tài sản hình thành khi phòng chống dịch. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Phó chủ tịch TP.HCM dự báo lượng người quay lại TP thời gian tới đông nên ông đã chỉ đạo Sở Y tế cụ thể hóa hướng dẫn, làm việc với các địa phương để tổ chức tiêm vaccine cho người lao động trở lại thành phố, đảm bảo độ phủ vaccine.
Nhấn mạnh TP.HCM sống nhờ dịch vụ, ông Dương Anh Đức cho rằng các dịch vụ liên quan du lịch, lưu trú rất quan trọng nên cần tính toán cho phép mở lại chuyến bay quốc tế. Ông Đức gợi ý bắt đầu với chuyến bay giải cứu và hướng đến những chuyến bay thương mại quốc tế.
Cùng quan điểm này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng việc đón các chuyến bay quốc tế sẽ giúp phát triển ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, bà Thắng lưu ý sau khi khu cách ly, bệnh viện dã chiến thu hẹp dần, các địa phương cần tính toán tài sản, máy móc, trang thiết bị đã nhận. Sở Tài chính cần nhanh chóng có hướng dẫn rạch ròi, không để thất thoát các tài sản vận động được thời gian qua.
Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM, cho biết có khoảng 130.000 người từ TP.HCM về quê thời gian qua. Bộ Tư lệnh TP.HCM đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tập trung người dân, đưa về miền Tây, miền Trung an toàn. Từ ngày 3 đến 19/10, khoảng 74.000 người dân từ các tỉnh về lại TP.
Theo Zing