“Con gái đẹp xăm gì cũng đẹp, còn con gái xấu xăm gì cũng xấu” – câu nói mang đầy định kiến của một nam đạo diễn đã gây ra nhiều tranh cãi những ngày qua.
Hình xăm đã tồn tại hơn 5.000 năm, nhưng có vẻ như xã hội tiến bộ mà chúng ta đang sống ngày nay vẫn chứa đựng sự coi thường hoặc ác cảm đối với những người phô bày vết mực, hình vẽ nghệ thuật trên cơ thể.
Cả phụ nữ và nam giới đều có nguy cơ bị đánh giá không công bằng bởi những gì họ thể hiện ra bên ngoài, từ quần áo, kiểu tóc cho đến hình xăm.
Thế nhưng, lịch sử và không ít nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong lĩnh vực xăm hình nghệ thuật, rào cản thành kiến mà phụ nữ phải đối mặt và vượt qua thường lớn hơn nam giới.
Phụ nữ xăm mình thường chịu nhiều định kiến. Ảnh: iStock. |
Lịch sử hình xăm trên cơ thể nữ giới
Margot Mifflin, giáo sư tiếng Anh tại Cao đẳng Lehman thuộc Đại học Thành phố New York (Mỹ), đã ghi lại mối quan hệ giữa phụ nữ và hình xăm trong cuốn sách Bodies of Subversion: A Secret History of Women and Tattoo, được xuất bản lần đầu vào năm 1997.
Trong thế kỷ thứ 19, hình xăm được xem là “phụ kiện” phổ biến cho những người giàu có trong xã hội.
Theo bà Mifflin, quan niệm này đã chết dần vào đầu thế kỷ 20, khi mà vết mực trên cơ thể bắt đầu trở thành một biểu tượng của sự nam tính. Lúc đó, nhiều tiệm xăm thường từ chối xăm hình cho phụ nữ, trừ khi họ đã kết hôn và có bạn đời đi cùng.
Tuy nhiên, quan niệm về hình xăm tiếp tục thay đổi vào những năm 1970, khi các phong trào phản văn hóa và nữ quyền bùng nổ, dẫn đến số lượng phụ nữ xăm mình tăng vọt.
Trong những năm 1990, bà Mifflin cho biết nhiều người vượt qua căn bệnh ung thư vú bắt đầu sử dụng nghệ thuật xăm mình để che đi vết sẹo do phẫu thuật cắt bỏ vú. Điều này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
“Trong cuốn sách của mình, tôi đã đặt ra giả thuyết rằng xăm hình là một cách để phụ nữ xác nhận quyền sở hữu đối với cơ thể của họ trong thời điểm mà các vấn đề về cơ thể phụ nữ rất nổi bật trên phương tiện truyền thông, từ cuộc tranh luận về ung thư vú, rối loạn ăn uống cho đến phẫu thuật thẩm mỹ, làm mẹ, phá thai”, giáo sư nói.
“Tôi nghĩ rằng hình xăm đã trở thành một phương tiện để phụ nữ kiểm soát cơ thể của chính mình”.
Sự soi xét của một người lạ
Đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, xăm mình không còn là một hành động mang tính phản kháng mà đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng.
Tuy nhiên, dù phổ biến với tất cả, hình xăm lại được nhìn nhận khác nhau khi nằm trên da thịt của các giới khác nhau.
Đàn ông có hình xăm được đánh giá là “mạnh mẽ”, “nam tính”, “thu hút” hơn. Trong khi đó, phụ nữ có vết mực trên da bị nhận xét là “kém hấp dẫn” nhưng lại “dễ lăng nhăng”.
Theo một nghiên cứu từ Đại học Portsmouth (Anh), nghệ thuật xăm mình cũng không thể thoát khỏi cuộc tranh luận về vai trò, quan hệ của nam giới và phụ nữ.
Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ xăm mình bị đánh giá “kém hấp dẫn”. Ảnh: Ahnlina. |
Nghiên cứu được thực hiện tại Anh chỉ ra phụ nữ xăm mình có xu hướng cảm thấy bị đánh giá hơn nam giới và cũng có nhiều khả năng che giấu vết mực hơn.
Nicolas Guéguen, nhà tâm lý học từ Đại học Bretagne Sud (Pháp), đã thực hiện một cuộc khảo sát trên tạp chí Psychology Today để tìm hiểu cách đàn ông phản ứng với phụ nữ có hình xăm.
Kết quả cho thấy phụ nữ xăm mình thường bị nhìn nhận tiêu cực, đánh giá không hấp dẫn nhưng lại bị suy diễn là không đứng đắn, kỳ vọng dễ dãi, thoải mái với những mối quan hệ không ràng buộc.
“Vì phụ nữ vốn đã bị đánh giá khắt khe hơn về ngoại hình so với nam giới, nên họ phải chịu những lời chỉ trích gay gắt hơn khi lựa chọn thể hiện bản thân thông qua xăm hình nghệ thuật”, nhà tâm lý nói.
Tuy nhiên, định kiến kéo dài vẫn không thể ngăn cản phụ nữ tiếp cận loại hình nghệ thuật này. Một cuộc thăm dò vào năm 2012 cho thấy phụ nữ xăm hình nhiều hơn nam giới.
Theo ông Guéguen, hoàn toàn là sai lầm khi đánh giá tiêu cực người khác dựa trên cách họ chọn thể hiện bản thân bằng hình xăm hoặc bất kỳ phương thức nào, bất kể giới tính của họ là gì.
“Những hình ảnh mà một người chọn để khắc ghi lên cơ thể của họ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với những gì mắt thường nhìn thấy. Người xa lạ không bao giờ biết ý nghĩa chính xác của một hình xăm nên mọi sự soi xét, phán đoán đều chỉ thể hiện sự kém hiểu biết và thiếu cảm thông”.
Theo Zing