Ông Dương Văn Quảng cho biết Giải thưởng Sách quốc gia chia sách thành từng mảng để chấm. Điều đó vừa phù hợp chuyên môn của người chấm giải vừa bao quát mọi lĩnh vực của sách.
Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư do Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, sẽ trao giải vào ngày 12/11 tới.
PGS.TS Dương Văn Quảng – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao – là thành viên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư. Ông nhận xét công tác tổ chức chấm giải năm nay được thực hiện khoa học.
Ông Dương Văn Quảng – thành viên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư. Ảnh: Duy Anh. |
Xét giải bài bản, khoa học
– Ông đánh giá như thế nào về công tác tổ chức chấm, xét giải năm nay?
– Đây là lần thứ hai tôi tham gia Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia. Về mặt cá nhân, tôi rất vinh dự vì được tham gia một hội đồng xét giải thưởng về sách, bởi bản thân tôi là người rất quan tâm đến sách, văn hóa đọc.
Dù tham gia hội đồng xét giải hai năm nay, thời gian chưa lâu, tôi thấy công tác tổ chức chấm giải có nhiều tiến bộ. Việc xét duyệt được tổ chức bài bản, khoa học, xác thực hơn. Tôi đánh giá rất cao việc xét và trao giải thưởng sách do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức.
– Trong số sách vào vòng chung khảo, ông quan tâm đặc biệt tới cuốn sách, mảng sách nào?
– Giải thưởng Sách quốc gia đã bao quát được tất cả lĩnh vực mà chúng ta cần quan tâm của xuất bản. Các sách xét giải và đoạt giải ở nhiều mảng, đáp ứng yêu cầu đọc của người Việt Nam.
Tôi cho rằng mảng sách thiếu nhi đã được giải thưởng chú ý. Không chỉ ở giải thưởng này, mà ở mọi phương diện, sách thiếu nhi cần được quan tâm hơn nữa.
Chúng ta cần động viên tác giả trong nước viết cho thiếu nhi. Các cháu là người mới tiếp cận cuộc sống, cần có sách khuyến khích học tập, giải trí theo cách hồn nhiên, trong sáng của thiếu nhi.
– Theo ông, Giải thưởng Sách quốc gia có ý nghĩa như thế nào với xã hội?
– Giải thưởng là sự khích lệ với người làm sách, góp phần lan tỏa sách giá trị, củng cố văn hóa đọc phát triển mạnh hơn nữa. Tuy vậy, để giải thưởng thực sự đi vào cuộc sống, cần làm tốt hơn công tác quảng bá.
Hiện nay, chúng ta mới truyền thông cho giải. Chúng ta cần truyền thông hấp dẫn để độc giả tìm tới cuốn sách đoạt giải, thậm chí có ý kiến phản hồi từ người đọc về sách đoạt giải đó.
Các thành viên Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia làm việc hôm 15/10. Ảnh: Duy Anh. |
Mong tác phẩm do người Việt viết chiếm ưu thế
– Là thành viên Hội đồng Sách quốc gia, ông đã biết những cuốn sách nào được đề cử nhận giải. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng sách đoạt giải năm nay?
– Các thành viên ở Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo đã đánh giá chuẩn xác, cụ thể về các cuốn sách dự giải, từ đó đề cử những cuốn sách giá trị. Năm nay, sách được đề cử trao giải có nhiều cuốn chất lượng, giá trị.
Tuy vậy, tôi vẫn hy vọng có nhiều sách được đề cử giải A hơn nữa, thành viên hội đồng tranh luận nhiều hơn về những cuốn sách ấy hơn nữa. Khi xét giải, chúng tôi luôn dựa vào các yếu tố: Giá trị nội dung, tính tư tưởng, nghệ thuật thể hiện của cuốn sách.
– Ông có góp ý gì để những lần tổ chức sau giải thưởng được thực hiện tốt hơn?
– Đến giờ, công tác tổ chức chấm, xét giải đã được tổ chức tốt. Những cuốn sách vào chung khảo, được đề cử xét giải đều có những đánh giá xác đáng từ thành viên Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo và Hội đồng Sách quốc gia.
Điều mà tôi mong mỏi là làm sao để tác phẩm người Việt viết ngày càng chiếm ưu thế trong giải thưởng. Tôi hy vọng có cuốn sách giá trị, nổi bật, thật sự xứng đáng để trao giải đặc biệt.
Sách dịch cũng là một mảng quan trọng nhưng tôi nghĩ nên chăng tách sách dịch với sách của tác giả trong nước viết ra để trao giải ở các hạng mục, cơ cấu giải khác nhau.
Với tác phẩm dịch, ta đánh giá ở hai yếu tố: Thứ nhất, đó là sách nổi tiếng, được thừa nhận ở nước ngoài. Thứ hai là đánh giá bản dịch sang tiếng Việt. Hiện nay, chúng ta chủ yếu đánh giá về nội dung cuốn sách nên đánh giá cả việc chuyển ngữ.
Việc tách hai mảng sách này còn một ý nghĩa khác là để khuyến khích tác giả trong nước viết sách, để họ có cống hiến nhiều hơn, đưa tới bạn đọc tác phẩm tốt hơn.
– Ông có theo dõi các giải thưởng về sách khác? Cuốn sách mà ông tâm đắc là gì?
– Tôi vẫn theo dõi một số giải thưởng về sách trong nước và quốc tế. Tôi cũng tìm sách đoạt giải để đọc, có thể đọc sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Cuốn sách mà tôi mới đọc và tâm đắc là Địa chính trị của loài muỗi. Sách viết về muỗi, vừa mang tính sinh học, vừa mang tính địa chính trị của loài muỗi, gợi mở nhiều suy ngẫm về toàn cầu hóa. Người đọc không phải nhà chuyên môn ở lĩnh vực sách đề cập nhưng vẫn bị cuốn hút bởi cách thể hiện giàu hình ảnh, cuốn hút.
Trong nước, tôi thích các tác phẩm như Đội gạo lên chùa, Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh. Cách tiếp cận của tác giả độc đáo. Đó là những cuốn sách mà khi đọc tôi tiếp nhận, học hỏi được nhiều điều về văn hóa Việt Nam.