TS Dương Văn Trung cho biết không có cách nào hoàn toàn ngăn ngừa được sỏi thận. Tuy nhiên, chế độ ăn uống và thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
TTƯT.TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu điện, cho biết bệnh nhân mắc sỏi thận chiếm khoảng 10% dân số. Tỷ lệ tái phát của bệnh cao. Bên cạnh đó, để phòng tránh được sỏi thận cũng rất khó khăn, chúng ta chỉ có thể tìm cách hạn chế sự phát triển của bệnh. Tuy nhiên, chế độ ăn hàng ngày có thể giúp hạn chế tình trạng này rất hiệu quả.
Uống đủ nước
Uống ít nước khiến nước tiểu bị cô đặc, giảm khả năng hòa tan các chất độc trong cơ thể, tinh thể dễ dàng lắng đọng, tạo thành sỏi. Do đó, người dân nên uống nhiều nước để tăng khả năng đào thải sỏi ra ngoài và ngăn ngừa chúng phát triển. Bạn cần cố gắng uống ít nhất 12 ly nước mỗi ngày (2-2,5 lít). Bạn không nên để khát nước mới uống. Cơ thể khát nghĩa là các tế bào đã thiếu nước.
Theo TS Dương Văn Trung, chỉ cần uống đủ nước, người dân đã phòng tránh được 50% căn bệnh này tái phát. Ngoài nước lọc, bạn có thể nước chanh, giúp nâng cao mức citrate trong nước tiểu, phòng ngừa sỏi oxalat canxi, sỏi axit uric.
Bạn cần cố gắng uống ít nhất 12 ly nước mỗi ngày (2-2,5 lít). Ảnh: Easyhealthoptions. |
Tuy nhiên, các loại nước ngọt có đường hoàn toàn không có tác dụng phòng tránh sỏi thận, thậm chí tạo điều kiện hình thành sỏi nhiều hơn.
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều oxalat
Bác sĩ Trung cho hay oxalat là loại axit có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận oxalat canxi. Nếu đã bị sỏi thận, bạn có thể sẽ cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn oxalat khỏi thực đơn của mình. Các thực phẩm giàu oxalat bạn cần lưu ý bao gồm chocolate, rau lang, nước trà, củ cải đường, đậu phộng, hoa quả bóc vỏ.
Hạn chế ăn thịt đỏ
Thịt đỏ, nội tạng động vật, cá khô làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Hàm lượng axit uric cao cũng là nguyên nhân gây sỏi thận. Bạn hãy tránh nguy cơ này bằng cách hạn chế ăn thịt đỏ và uống nhiều nước.
Không kiêng thức ăn chứa canxi
“Nếu lượng canxi bạn ăn vào ít, nồng độ oxalate trong cơ thể có thể tăng lên. Vì vậy, người dân cần bổ sung đủ nhu cầu canxi của cơ thể, tốt nhất là canxi tự nhiên từ thức ăn. Ngoài ra, người dân chỉ sử dụng các thực phẩm chức năng để bổ sung canxi khi có tư vấn và chỉ định của bác sĩ”, TS Dương Văn Trung nói.
Bên cạnh đó, vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn. Có rất nhiều loại thực phẩm giúp bạn bổ sung vitamin D như cá hồi, lòng đỏ trứng và pho-mát.
Giảm muối
Nồng độ natri cao có thể kích thích sự tích tụ canxi trong nước tiểu. Vì vậy, TS Trung khuyến cáo người dân cần hạn chế sử dụng quá nhiều muối khi chế biến thực phẩm. Ngoài ra, trước khi mua các thực phẩm chế biến sẵn, bạn nên kiểm tra định lượng natri để có lựa chọn phù hợp hơn. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị 5 g muối/ngày để đảm bảo sức khỏe và nhu cầu sinh lý bình thường của cơ thể.
Nồng độ natri cao có thể kích thích sự tích tụ canxi trong nước tiểu. Ảnh: Terve. |
Không uống nhiều rượu
Rượu có đặc tính lợi tiểu khiến bạn đi tiểu nhiều hơn. Điều này dẫn đến mất nước, đặc biệt là khi bạn uống quá nhiều rượu. Rượu cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng nước và chất điện giải trong thận. Điều này dẫn đến suy giảm chức năng của thận và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Bạn uống rượu khi đã bị sỏi thận có thể khiến chúng di chuyển nhanh hơn, góp phần làm tăng cơn đau thận.
Không lạm dụng vitamin C
TS Dương Văn Trung cho hay bổ sung vitamin C hàng ngày, suốt thời gian dài có thể dẫn đến thừa chất này, làm tăng hấp thu canxi từ ruột, canxi trong máu cao gây sỏi thận. Bổ sung vitamin C từ thức ăn là tốt nhất, chúng có nhiều trong rau quả tươi. Người dân nên ăn lượng đầy đủ theo khuyến cáo, không cần uống bổ sung thêm.
Theo Zing