Từ ngày 3 đến 5-8-2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TPHCM sẽ diễn ra Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghiệp giấy, sơn phủ, cao su và nhựa tại Việt Nam sẽ được diễn ra với hơn 150 doanh nghiệp đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia nhằm tìm kiếm cơ hội giao thương, gia tăng thị phần tại Việt Nam.
150 doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Bỉ, Đức, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Pakistan… Trong đó, Ấn Độ có số lượng DN đăng ký đông đảo nhất với 41 doanh nghiệp tham gia, chiếm 1/3 số gian hàng trưng bày tại triển lãm. Chủ yếu bao gồm các DN về sơn, hóa chất nhuộm.
Sự kiện dự kiến đón khoảng 8.000 lượt khách tham quan sẽ là cơ hội giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất, người mua… đẩy mạnh hợp tác kinh doanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch. Nhiều thương hiệu Việt Nam tiêu biểu có gian hàng triển lãm năm nay như: Giấy Đồng Tiến, Miza, Việt Ấn, Minh Thanh, Minh Long, Cao su Đà Nẵng, Hiển Long Kiến Vương, Vượt Sóng, Quốc Thắng, Nhật Minh, Mạc Tích,…
Tại buổi họp báo công bố sự kiện ngày 16/07 vừa qua, Ban tổ chức cho biết, hai quý đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu ước đạt hơn 787.000 tấn cao su thiên nhiên, và nhập khẩu gần 500.000 tấn cao su tổng hợp để phục vụ ngành sản xuất giày dép, lốp xe, cao su chịu dầu (số liệu của Hội Cao su Nhựa TPHCM)… Ngoài ra, giấy bao bì cũng được đánh giá là ngành khá tiềm năng khi nhu cầu mua sắm, ăn uống theo hình thức “take away” tăng cao. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy, các nhà tái chế cao su, giấy và nhựa tại Việt Nam lại không đáp ứng nổi nhu cầu này.
Ông Nguyễn Quốc Anh- Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TPHCM cho biết, mặc dù là nước xuất khẩu cao su, Việt Nam nằm trong 3 quốc giá xuất khẩu lốp xe sang Mỹ chúng ta vẫn đang trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu nhập khẩu trong quy trình sản xuất các loại sản phẩm cần phối hợp với cao su nhân tạo như găng tay y tế hay lốp xe… Triển lãm lần này hi vọng có thể tìm kiếm được nhiều đơn vị có khả năng đảm bảo tái chế cho ngành cao su, nhựa, giấy tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, ông Anh cho rằng, ngành cao su công nghiệp từ nay đến cuối năm e rằng không có nhiều chuyển biến tích cực, mà chủ yếu vẫn phụ thuộc vào sức mua của Mỹ và châu Âu là 2 thị trường lớn của Việt Nam lâu nay. Ông Anh cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là khi xuất khẩu qua thị trường Mỹ DN cần phải có mã số DOT và có nhà đại diện ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông Võ Hoàng An- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội cao su Việt Nam lại cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu cao su tiếp tục duy trì đà tăng. Cụ thể, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 787.000 tấn, với giá trị gần 1,4 tỷ đô, tăng 10,3% về lượng, 13,3% về giá trị so với cùng kỳ 2021. Trong khi đó, đa số các mặt hàng sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,2 tỷ đô la, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các đại biểu tham dự kỳ triển lãm trước tại TP Hồ Chí Minh.
Đối với ngành công nghiệp chế biến cao su Việt Nam, lốp xe có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Theo số liệu sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022, lốp xe có giá trị xuất khẩu đạt 6,6 tỷ đô, chiếm 51,8% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su Việt Nam, tăng 28,9% so với cùng kỳ.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu lốp xe sang 140 quốc gia, trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường chủ lực với kim ngạch ước đạt 650 triệu đô la, tăng 37,7% so với cùng kỳ, tiếp đến là Brazil, Đức và các thị trường khác.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có tổng cộng 150 doanh nghiệp sản xuất lốp xe, trong nhóm 10 DN dẫn đầu về xuất khẩu có Cao su Đà Nẵng (DRC), Công ty CP Cao su miền Nam (Casumina) với 100 triệu đô la/năm là hội viện của Hiệp hội cao su Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, khi DN Trung Quốc đón mức thuế quan cao từ Mỹ và một số nước châu Âu áp dụng. Điển hình như Nhà máy Sailun Tây Ninh được Trung Quốc đầu tư lại có doanh thu gần 1 tỷ đô la/năm dựa vào xuất khẩu lốp xe, cho thấy ngành cao su Việt Nam nhờ vào các dòng vốn đầu tư sẽ có tiến triển trong thời gian tới.
Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam.
Phát biểu tại Họp báo Triển lãm quốc tế chuyên ngành công nghiệp giấy, sơn phủ, cao su và nhựa tại Việt Nam ngày 16/7, ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho hay, ngành giấy có tỉ lệ thu gom tái chế cao. Ở các nước phát triển là hơn 70%, Nhật Bản từ 82-83%. Ngành giấy Việt Nam trong thời gian tới đang được các doanh nghiệp FDI đầu tư, kèm theo đó là các phương pháp xử lý nước cho ngành giấy ít gây hại đến môi trường.
Theo NT/ Paper Vietnam