Thực hiện 6 điều này mỗi ngày để có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn.
Sức khỏe được ví như vàng bởi tầm quan trọng và giá trị của nó với cuộc sống con người. Để có một thân thể khỏe mạnh thực chất không hề khó nếu bạn tuân thủ một lối sống lành mạnh với chỉ 6 mẹo nhỏ dưới đây, kiên trì giữ gìn 6 thói quen này có thể nâng cao chất lượng sức khỏe của bạn rất nhiều đấy:
1. Những con số nhỏ
Mỗi ngày hãy cố gắng dành ra 10-30 phút cho hoạt động đi bộ, hoặc ít nhất hãy đi đủ 8000 bước chân mỗi ngày. Ngồi thiền khoảng 10 phút, ngủ đủ 8 tiếng vào ban đêm và uống khoảng 1,5-2 lít nước. Đây không phải những điều khó để thực hiện nhưng cần tạo được thói quen dể duy trì, sớm thôi bạn sẽ thấy được sự thay đổi từ những con số tưởng như nhỏ bé này.
2. Chườm mặt và ngâm chân
Chườm mặt bằng nước nóng vào buổi tối khi rửa mặt bằng cách nhúng khăn mặt qua nước nóng (nếu có thể hãy nhỏ thêm vài giọt tinh dầu vào nước nhúng khăn), vắt khô khăn thật nhanh và đắp lên cả mặt, hít sâu để tận hưởng sự sảng khoái mà hương thơm từ tinh dầu mang lại.
Khăn nóng giúp lỗ chân lông được giãn nở, kích thích sự tuần hoàn của các mao mạch bên dưới da, để bạn luôn có làn da hồng hào, khỏe mạnh. Khăn nóng cũng giúp đánh tan quầng thâm mắt, giúp đôi mắt được thư giãn. Sau đó, nhớ rửa lại với nước mát để se khít lỗ chân lông nhé.
Ngâm chân cũng là một hoạt động được khuyến khích kể cả với những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ. Mỗi ngày, đun nước nóng với vài loại nguyên liệu đông y như gừng, xả, ngải cứu… hoặc dùng gói thuốc đông y có bán sẵn hay chỉ đơn giản là chút muối, giấm hòa cùng nước nóng khoảng 50 độ.
Ngâm chân trong khoảng 10-20 phút. Sau khi nước nguội bớt, hãy lau khô chân và xoa bóp nhẹ nhàng hai bàn chân để kích thích các huyệt, giúp máu lưu thông tốt hơn, các cơ quan nội tạng và bộ phận trên cơ thể người hoạt động khỏe mạnh hơn, đào thải độc tố và làm ấm người, cho chúng ta có giấc ngủ ngon hơn, đặc biệt là với những người hay bị lạnh chân tay vào mùa đông.
3. Một ly nước trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy
Một cốc nước vào trước khi đi ngủ khoảng 1-2h giúp chúng ta có giấc ngủ ngon hơn, thận, gan, mật cũng có đủ nước để thực hiện quá trình đào thải độc tố khỏi cơ thể. Thêm một cốc nước ấm vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy không chỉ giúp đánh thức các hoạt động của cơ thể mà còn giúp bù nước sau một đêm các cơ quan nội tạng hoạt động miệt mài để bài độc, lọc máu. Hơn thế, với người lớn tuổi, nó còn giúp phòng ngừa phần nào chứng tai biến mạch máu não.
Tuy nhiên, nên lưu ý uống nước 1-2h trước khi đi ngủ, đừng uống ngay trước khi đi ngủ kẻo bạn sẽ phá hoại giấc ngủ vì phải đi tiểu vào ban đêm đấy.
4. Nằm trên giường thêm 5 phút
Khi vừa tỉnh dậy, đừng vội vã ngồi dậy hay rời giường, hãy nán lại giường khoàng 3-5 phút, vươn vai, thẳng người, xoa nhẹ vùng trán, mắt, mũi để thúc đẩy tuần hoàn và đánh thức cơ thể. Nếu bạn vội vã rời giường, không chỉ cơ thể vẫn còn mệt mỏi vì đang trong trạng thái chưa tỉnh ngủ mà còn có nguy cơ bị choáng, ngất do máu không kịp lưu thông tới não khiến não bị thiếu oxy.
5. Tập thể dục
Đi bộ là một hoạt động thể dục được khuyến khích nhiều nhất với những người bận rộn, hoặc nếu không thể dành ra thời gian để đi bộ hay không có không gian để đi bộ thì ít nhất cũng hãy dành ra 5-10 phút cho việc thể dục với các động tác đơn giản như vươn vai, vặn mình, hít thở sâu…
6. Ăn sáng
Đây là điều mà mọi bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng đề khuyên chúng ta cần thực hiện mỗi ngày. Bởi bữa sáng là bữa quan trọng nhất, cung cấp năng lượng cho cả ngày hoạt động, dù bạn có đang trong một chế độ ăn kiêng, cũng hãy ăn sáng với đầy đủ chất dinh dưỡng và ăn ít vào bữa trưa và bữa tối. Việc này giúp bạn có đủ năng lượng cho ngày dài và cũng giúp hệ tiêu hóa của bạn được khỏe mạnh hơn.
Nguồn: Tổng hợp
CTV Trần Ngân/ VOV