Với tinh thần tiếp bước tiền nhân, ghi nhớ công ơn Thầy Tổ, Ni giới tỉnh Bình Phước đã long trọng tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni và chư Ni tiền bối hữu công đã đóng góp trong quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam. Sáng ngày 22/4/2023 tại Trung tâm Văn hóa Thành Phố Đồng Xoài (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) đã diễn ra Lễ Khai mạc triển lãm văn hóa nghệ thuật Phật giáo, mở đầu cho sự kiện trọng đại này.
Tham dự và cắt băng khai mạc có: NT. Thích Nữ Nhật Khương – Ủy viên TT HĐTS, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ; NT. Thích Nữ Như Như, NT. Thích Đàm Lan – đồng Ủy viên TT HĐTS, Phó Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương; cùng chư Tôn đức Ni Phó Phân ban Ni giới Trung ương; chư Tôn đức Ni Phân ban Ni giới Trung ương; Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước và các tỉnh thành đồng tham dự.
Nằm trong khuôn khổ chào mừng Đại lễ tưởng niệm, lễ khai mạc không gian triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật Phật giáo được diễn ra với nhiều hạng mục được dàn dựng hoành tráng, công phu làm nổi bật tinh thần Phật giáo và nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc tại vùng đất Bình Phước.
Ngoài ra, nội dung triển lãm còn kính nêu hình ảnh của 8 đơn vị Ni giới các tỉnh, thành đã đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni, đó là: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của triển lãm là quần thể các tôn tượng thập đại Đệ tử Ni thời Đức Phật được tôn trí trang nghiêm, thể hiện sự ghi nhớ công ơn sâu sắc của hàng hậu bối đối với chư vị Thánh Ni thuở trước. Những bậc trí đức vẹn toàn, nhưng với lòng nhiệt thành khao khát tìm cầu chân lý giải thoát khổ đau ràng buộc của kiếp người, các vị đã lặn lội đến xin Đức Thế Tôn xuất gia, sống đời phạm hạnh. Công đức dày đó cho tới hôm nay luôn là hình ảnh ưu việt tuyệt vời cho đàn hậu học noi theo. Nhờ công đức ấy mà nữ giới được bước vào hàng ngũ của tăng đoàn.
Đặc biệt, 10 tôn tượng hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm được trưng bày trong không gian triển lãm, dưới thân tướng người nữ với những hạnh nguyện khác nhau mang giá trị cao về thẩm mỹ.
Đặc biệt, trong cuộc triển lãm này nhằm tái hiện những thành tựu Phật sự nổi bật của Ni giới Phật giáo tỉnh Bình Phước trong nhiều thập niên qua và là điểm nhấn cho Đại lễ tưởng niệm năm nay. Hình ảnh chư Tôn đức Ni thừa hành Phật sự trên khắp các nẻo đường, “chẳng ngại gian lao, chẳng từ khó nhọc” đem ánh sáng Phật pháp và tấm lòng từ bi đến với chúng sanh, được thể hiện qua các hoạt động: Nghi lễ, Giáo dục, Văn hóa, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Từ thiện – xã hội v.v.. được tái hiện và trưng bày công phu, thể hiện một nét đẹp hài hòa, đậm tính nhân văn, sinh động, giàu chất nghệ thuật. Chương trình Triển lãm cũng thể hiện rõ nét sự “dấn thân và truyền trì chánh pháp” của Ni đoàn trong tương lai, “tùy duyên nhập thế” nhưng luôn là “những đóa hoa sen tinh khiết” giữa dòng đời.
Hình ảnh nhà sàn bên bếp lửa, văn hóa cồng chiêng, điệu nhảy Sóc Bom Bo đã được Ban tổ chức dàn dựng công phu… Tất cả nhằm thể hiện sự giao thoa, hòa quyện với văn hóa vùng miền trên hành trình truyền bá chánh pháp của Phật giáo tại miền đất đa sắc tộc này.
Khu trưng bày các ấn phẩm nổi tiếng được in trên tạp chí như: Hoằng Pháp, Hoa Đàm. Từ Bi Âm, Hoa Sen,…đại diện cho các cơ quan ngôn luận của nữ giới Phật giáo cũng được bày trí trang trọng để mọi người thưởng lãm.
Ngoài ra, còn có khu vực triển lãm về những hạng mục văn hoá đặc trưng của tỉnh Bình Phước với nền văn hóa đa sắc tộc được giao thoa qua những hình ảnh và các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng như các loại dụng cụ thô sơ của người tiền sử, các mẫu đá quý được phát hiện từ những cuộc khai quật, những bộ đàn đá được công nhận là bảo vật quốc gia. Những ngôi nhà sàn, cồng chiêng hay trang phục của các Đồng bào cũng được tái hiện một cách sống động đời sống sinh hoạt của 41 dân tộc tại tỉnh nhà.
Triển lãm thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa văn hoá Phật giáo và văn hoá bản địa, tạo nên một nền văn hoá đặc thù trên vùng đất mới đậm tính nhân văn, giàu tình dân tộc, nghĩa quê hương. Uy nghiêm giữa đời thường, tự tại giữa hồng trần như đóa sen thanh “cư trần bất nhiễm trần”, là hình ảnh hoá thân của mẹ hiền Quán Thế Âm cũng như chư vị Thánh Ni đã nói lên tất cả sự hiện diện của Ni đoàn Phật giáo nói chung và Ni giới Bình Phước nói riêng trên khắp nẻo đường tự lợi lợi tha.
Buổi chiều cùng ngày, chương trình toạ đàn với chủ đề: Ni giới Bình Phước “Dấn thân và truyền trì chánh pháp” đã được diễn ra với sự thu hút của các chư Ni tham dự đại lễ.
Đây là lần đầu tiên Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni và chư Ni tiền bối hữu công của Phật giáo Việt Nam được Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước đăng cai tổ chức mang đậm tính nhân văn, thể hiện sự tiềm năng, tính hội nhập và phát triển của Ni giới Bình Phước trên con đường phụng sự nhân sinh.
NT