Hơn 20 năm hội nhập thị trường toàn cầu cá tra Việt Nam liên tục đối diện thử thách và đã bao lần vượt qua sóng gió. Năm 2019 đánh dấu bước ngoặt mới, chuẩn hóa từ vùng nuôi, hoàn tất định vị, cấp mã số từng ao nuôi, đảm bảo truy nguyên nguồn gốc.
Chất lượng, sản lượng sẽ được kiểm soát chặt chẽ để xây dựng uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam.
Chuẩn hóa vùng nuôi
Cá tra sống vẫy vùng sông sâu, nước chảy. Sau khi thuần dưỡng, chủ động nguồn cá giống nhân tạo nuôi trong ao đã thích nghi mạnh mẽ đến lạ lùng. Trên đường vượt vũ môn vươn ra thị trường thế giới, sản phẩm cá tra từng bước tạo dựng danh tiếng và niềm tin với khách hàng.
Tuy nhiên, thế giới ngày nay không còn khái niệm thị trường dễ dãi. Hầu hết các mặt hàng nông sản phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc như một yêu cầu bắt buộc.
Cũng như hàng ngàn ao nuôi cá tra trong vùng được định vị trải dọc theo hai bờ sông Hậu, sông Tiền đón dòng nước bạc trong lành, “Cù lao cá” Tân Lộc (Cần Thơ) giữa sông Hậu mênh mông đã sớm thành hình làng nghề nuôi cá tra ven đất bãi bồi.
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: BVT. |
Ông Út Anh là người nuôi cá tra bền bỉ có tiếng ở cù lao này, kể: Từ nhiều năm qua ông đã chuyển qua ký kết hợp đồng nuôi cá gia công theo hợp đồng liên kết với Cty Sao Mai-IDI. Tất cả có 5 ao nuôi cá phải áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật, từ loại thức ăn đến cách dùng thuốc phòng ngừa bệnh cá đúng theo hướng dẫn của Cty.
Hơn một năm qua, cán bộ thủy sản địa phương đến khảo sát và cấp mã số gắn thẻ cho mỗi ao với tên chủ hộ nuôi cá. Tôi nghĩ đây là điều kiện cần không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía công ty mà cho cả hộ nuôi. Được dẫn giải dễ hiểu hơn, qua mã số định vị và công nghệ số là phương thức kiểm soát từng ao nuôi, cốt yếu nhằm bảo vệ uy tín sản phẩm cá tra đáp ứng theo yêu cầu thị trường.
Mã số từng ao
Dọc theo sông Hậu và các cù lao, TP Cần Thơ cùng với 3 tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang đang dẫn đầu về diện tích nuôi và sản lượng cá tra trong vùng. Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ nói: Năm 2018 Chi cục Thủy sản bắt đầu cấp mã số nhận diện ao nuôi cá tra, nhìn chung thuận lợi, suôn sẻ.
Ao nuôi cá tra xuất khẩu được định vị, cấp mã số ở Cần Thơ. Ảnh: HĐ. |
Đến cuối năm 2018, Cần Thơ cấp giấy chứng nhận mã số cho 301 cơ sở với tổng diện tích là 580/597,8ha. Từ tháng 6/2019 đến nay đã cấp mới 18 giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản đối tượng là cá tra với diện tích 39,85ha. Dự kiến sắp tới sẽ sớm hoàn tất việc cấp đổi và cấp mới mã số cho tổng số diện tích ao nuôi cá tra trên địa bàn thành phố.
Ông Hải khẳng định, đa số các hộ nuôi về thủy sản có trình độ hiểu biết luật ngày càng nâng cao, chấp hành quy định quản lý nhà nước. Phần nhiều hộ nuôi cá đáp ứng tương đối các quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao. Điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Do đó các hồ sơ đều thực hiện sớm hơn so với quy định mà vẫn đảm bảo tính chính xác, nhằm giúp hộ nuôi cá thuận lợi trong SX.
Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay vùng nuôi cá tra ở các tỉnh ĐBSCL đã đánh mã số vùng nuôi được 5.200/5.400ha ao nuôi cá tra và sẽ sớm hoàn tất trong thời gian tới. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), nhận định: Song hành cùng việc cấp mã số vùng nuôi và thực hành nuôi cá tra tốt theo tiêu chuẩn GAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP… đang được ngành nông nghiệp đẩy mạnh triển khai xây dựng tại các vùng nuôi thủy sản.
Hoàn thiện chuỗi ngành hàng
Một trong những chuyển biến tích cực nhất từ vùng nuôi là cập nhật, hoàn tất cấp mã số. Nguồn gốc cá tra được chứng minh nuôi trong môi trường có kiểm soát tốt nhất sẽ tạo thêm sức bật mới để sản phẩm vượt qua cơn nóng lạnh thị trường. Cá tra đã XK trên thị trường 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc – Hồng Kông mới nổi lên, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Đặc biệt, Trung Quốc đang áp dụng truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra.
Ông Dương Nghĩa Quốc, nhận định: Trong những tháng đầu năm có 1 đến 2 tháng lượng hàng cá tra xuất sang Trung Quốc giảm mạnh là do có sự điều chỉnh ghi đúng tên cá tra trên bao bì. Nhưng từ tháng 5 đến nay, nhất là trong tháng 7/2019 cá tra xuất sang Trung Quốc tăng lên 1,2% và vẫn là một trong những thị trường chủ lực, dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam. Do vậy, việc hoàn thiện chuỗi ngành hàng cá tra từ vùng nuôi, chế biến, đến XK để hướng tới phát triển bền vững.
Một bước chuyển mới, chỉ chờ tín hiệu thị trường khởi sắc cá tra sẽ trở lại đường đua.
Theo VASEP, từ tháng 3 đến tháng 6/2019, giá trị XK cá tra giảm 6 – 17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng đầu năm nay XK cá tra sang Trung Quốc tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%, chiếm 26,4% tổng giá trị XK cá tra. Trong khi 6 tháng đầu năm 2019 cá tra XK sang thị trường Mỹ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm mạnh
Theo Hữu Đức
Nông nghiệp Việt Nam