Đã 76 năm trôi qua nhưng ký ức thiêng liêng về những ngày cùng cả dân tộc chuẩn bị cho Lễ Quốc Khánh vẫn còn in sâu trong tâm trí của ông Trịnh Lương (sinh năm 1933) – con trai cả của nhà tư sản hiến hơn 5.000 cây vàng cho cách mạng. Những câu chuyện đầy tự hào về cuộc đời, sự nghiệp, cống hiến lớn lao cho đất nước của ông và gia đình vẫn được con cháu rì rầm kể lại, kể với các phóng viên, kể với khách khứa hỏi han, hay kể với nhau để soi rọi mình trong tấm gương cha mẹ.
Ký ức đẹp về Bác Hồ sống cùng lịch sử
Trên bức tường ngôi nhà của ông bà Trịnh Lương và Đỗ Giao Cầm – con dâu trưởng của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ, nhiều bức ảnh, bằng khen, giấy chứng nhận nghĩa cử cao đẹp do Nhà nước ban tặng được đóng khung, treo lên và trưng bày cẩn thận, ngay ngắn. Dù nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn còn vẹn nguyên những minh chứng cho những năm tháng hào hùng không thể phai mờ mà ông bà luôn trân trọng, tự hào.
Giới thiệu với chúng tôi về câu chuyện ở di tích 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nơi khai sinh ra bản Tuyên ngôn Độc lập, ông Lương tâm sự đó là ngôi nhà thân yêu mà ông sinh ra và lớn lên. Ngày 22/8/1945, khi đang còn là một cậu bé 12 tuổi, ông đi học về và thấy cả nhà cứ khiêng bàn, kê ghế, dọn dẹp, cụ Trịnh Văn Bô mới bảo tối nay con xuống tầng dưới, ngủ cùng phòng với bà nội. Hoá ra ngày hôm đó, gia đình có khách quý là đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng đồng chí Trường Chinh đến gặp mặt bố mẹ ông và nói: “Sắp tới sẽ có khách quý “dưới quê” về ở. Anh chị sắp xếp, bố trí chỗ để thượng cấp làm việc!”. Quả đúng như vậy, ngày 25/8, cụ Bô cho xe ô tô đi đón tiếp người “thượng cấp” ấy chính là Bác Hồ.
Theo lời kể của ông, tầng hai của ngôi nhà để hoàn toàn cho Người dùng, phòng ngoài dành cho tiếp khách, buồng ăn ở bên trong và phòng làm việc bên cạnh chính là nơi bác viết bản Tuyên ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà. Là “địa chỉ đỏ” thời kỳ đầu Cách mạng Việt Nam, căn nhà sâu có hai mặt phố, một bên ở Hàng Ngang phía mặt tiền cửa hàng, mặt sau quay ra Hàng Cân để có thể xuất nhập linh động.
Ông Trịnh Lương chẳng thể nào quên những lần được nói chuyện, gọi Bác Hồ là “ông” cũng như đức tính dung dị, gần gũi của Người. Ông vẫn nhớ như in những món ăn Bác Hồ thích như cá bống kho rim, thịt kho tàu hay xôi vò chè đường mà cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đích thân chỉ đạo nhà bếp nấu ăn phục vụ bữa tối. Theo nguyên tắc bí mật đảm bảo an toàn, chiến sĩ cách mạng thông thường chuyển nơi ở liên tục trong vòng 4 ngày, tuy nhiên, vì khi ấy sức khỏe không cho phép, nên thời gian Bác Hồ lưu trú tại 48 Hàng Ngang chính xác qua một tháng ba ngày. Có lẽ, chính cơ duyên quý báu ấy là “hạt mầm tuổi thơ”, là động lực càng thôi thúc, hun đúc người con trai nhà tư sản đi theo con đường cách mạng của Đảng.
Hành trình tôi luyện của một nhà giáo cách mạng
Ngót nghét gần 10 năm gắn bó với Hội hướng đạo sinh Sói Con và Hội Thiếu niên thành Hoàng Diệu, ông Trịnh Lương phấn khởi chia sẻ đó chính là dấu ấn vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời thanh thiếu niên sôi nổi của mình: “Sói Con do Đội trưởng Hoàng Đạo Thuý quản lý, cũng là cậu ruột của bà Hoàng Thị Minh Hồ, bao gồm ba cấp: “lớp ấu” từ 7 đến 11 tuổi, “lớp thiếu” từ 12 đến 17 tuổi và 18 tuổi trở lên là “lớp tráng sinh”. Mỗi ngày ngủ dậy, nhóm hướng đạo được phát sợi dây, nếu làm một việc tốt giúp đỡ mọi người sẽ được buộc một nút dây. Thành ra ai cũng hăm hở, cũng trong tinh thần sẵn sàng, để cống hiến cho đời ý nghĩa”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh tơ lụa Phúc Lợi giàu có nức tiếng Hà Thành, ông Lương cũng tâm sự vui rằng ngày xưa ở nhà chẳng bao giờ phải thổi cơm, gấp chăn, gập màn vì luôn có gia nhân giúp việc, anh nhỏ hỗ trợ. Đến khi tham gia Hội hướng đạo, ông được hướng dẫn đủ thứ, từ những việc thường nhật như nhóm bếp, kiếm củi, dựng trải, khâu vá,… đến việc trau dồi kiến thức về lịch sử, học các bài hát lan tỏa tinh thần yêu nước như của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao,… Vào giai đoạn Hà Nội “chìm” trong nạn đói năm 1945, Sói Con tham gia phát lương thực, quần áo giúp đồng bào nghèo đói hay bí mật cầm truyền đơn, dán khẩu hiệu khắp các con phố nội đô vào buổi tối.
Hành trình xây dựng “bản lề” ấy đã giúp ông khi lớn lên có thể cùng gia đình lên chiến khu kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Bà Giao Cầm – vợ ông cũng chia sẻ sau chiến dịch biên giới năm 1951, Bác Hồ thấy ông nhanh nhẹn, tháo vát nên cử sang Trung Quốc để phân bổ học tập các ngành nghề, xây dựng nhân sự lập quốc cùng đoàn cán bộ viên chức. Khi “ngọc đã giũa mài”, ông Trịnh Lương là 25 người đầu tiên được cử về nước biên soạn giáo án, họp bàn thống nhất chương trình giáo dục và vận động giáo dân cho trẻ em đi học.
Xung phong về công tác ở Nam Định, người nhà giáo cách mạng ấy thường được mọi người nói vui rằng dạy theo kiểu rất… “lạ”. Ông làm hiệu trưởng ở ba trường Hải Hậu, Hải Châu, Hải Thịnh và cũng là giáo viên chuyên toán. Cái “lạ” đầu tiên là nhà giáo được phát súng, trang bị vũ khí tự vệ. Bởi lẽ, khi đó, Nam Định đang trong thế “cài răng lược”, ban ngày thực dân Pháp chiếm đóng, ban đêm thì quân ta hoạt động nên nhà giáo cần tự vệ và bảo vệ phong trào giáo dân. Với điều “lạ” tiếp theo, trường học lấy địa điểm tại chùa, sân đình hay nhà dân rộng, nếu thực dân Pháp bắt, không cho mở trường học thì cả lớp lại chạy vào nhà thờ. Điểm “lạ” thứ ba là cách tuyển giáo viên. Ông phải ra chợ Cồn, quan sát cô nào viết lách, đọc được hoá đơn thì mời về giảng dạy và trả lương bằng 13 cân gạo. Những năm tháng tích cực hoạt động cách mạng ở mảnh đất địa linh Nam Định như gắn với máu thịt, là một phần tâm hồn của đời ông.
Vẹn nguyên tấm lòng “vàng”
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi về hưu, ông Trịnh Lương vẫn tâm huyết, tận tụy với nghề “lái con đò đến bến bờ tri thức”. Ông được cử về xây dựng hệ thống trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cổ Nhuế, trường Yên Thái trên đường Bưởi, trường Phúc Xá ở Hoàn Kiếm. Đặc biệt, trường 3 năm liên tiếp đều nhận huy chương xếp hạng Xuất Sắc, ông còn được giải Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, có thành tích nổi bật khi Giải phóng Hà Nội. Ông chia sẻ: “Tôi đã xin địa phương 5 mẫu đất hoang để giờ ngoại khóa có thể dạy học sinh cách cấy, trồng, chiết ghép cho cây và chia cho các em thu hoạch mang về nhà, giúp thu lượm những kiến thức thực tế bổ ích cho cuộc sống”.
Thực hiện ý nguyện của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ trước khi ra đi, nhà giáo gần 90 tuổi ấy đại diện gia đình quyên góp tiền đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào khó khăn do thiên tai, lũ lụt, giúp đỡ học sinh nghèo với mong muốn góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà. Ông bà Trịnh Lương và Giao Cầm đều là nhà giáo về hưu, cũng không nhớ hết đã dạy qua bao nhiêu thế hệ học trò, nhưng khi “ươm chồi non”, ông bà luôn “gieo mầm” bằng tình yêu, sự tâm huyết và trân trọng. Đó là lẽ sống còn mãi cho đời sau học tập, dù ở tuổi đôi mươi căng tràn nhựa sống hay tuổi già tóc bạc, ông vẫn luôn mang trong mình ý thức, trách nhiệm cống hiến cho quê hương, đất nước.
Ân nhân của Đảng, của cách mạng, của dân tộc: Là doanh nhân giàu có buôn bán tơ lụa vải vóc đi khắp đất nước và Đông Dương, ông bà Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ không chỉ biết đến lợi nhuận mà tham gia cống hiến cho đất nước từ những ngày đầu lập quốc. Trong suốt thời gian chuẩn bị Lễ Quốc Khánh 2/9/1945, Đảng ta quyết định phải ra công khai trên thế giới bản Tuyên ngôn độc lập, không thể để chậm trễ, vợ chồng nhà tư sản cách mạng đã xin phép đài thọ chi phí ăn mặc và đi lại cho 15 cán bộ. Ông Trịnh Lương chia sẻ: “Gia đình sắp xếp tặng mỗi người hai bộ quần áo mặc trên lễ đài, riêng Bác Hồ thêm bộ lụa để tiếp khách tiện lợi. Mẹ tôi tính toán cao như ông Phạm Văn Đồng thì hạ thêm gấu xuống, thấp hơn chút như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt thì vén gấu lên”.Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước cần thực hiện nhiều công việc quan trọng nhưng đang đương đầu với muôn vàn khó khăn về tài chính, kinh tế. Như “tay hòm chìa khóa” của gia sản họ Trịnh, bà Minh Hồ đứng lên hiến tặng Nhà nước 20 vạn đồng Đông Dương (tương đương 500 cây vàng) vì tạm thời ông Trịnh Văn Bô đang đi kiểm tra đội dân quân tự vệ nên chưa về. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương thành lập “Tuần lễ Vàng” và “Quỹ Độc Lập” kêu gọi nhân dân giàu lòng yêu nước đóng góp Chính phủ. Ông bà tiếp tục bán hết số vải vóc không lấy lãi, đổi vàng hiến Nhà nước, hay trao đổi với đồng chí Trần Đăng Ninh để mua kho vũ khí của quân Nhật đầu hàng để lại. Theo các tài liệu chính thức ghi nhận, “Tuần lễ Vàng” đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam và chỉ riêng gia đình cụ Bô đã đóng góp tổng số 5.147 lượng vàng. Không chỉ đích thân ủng hộ, ông bà còn vận động quần chúng, nghĩ ra nhiều hình thức kêu gọi khác. Qua lời kể của ông Trịnh Lương, họa sĩ Tô Ngọc Vân đến tặng và nhờ cụ Bô bán đấu giá bức tranh vẽ Bác Hồ, được bao nhiêu thì đóng góp cả. Tổng kết buổi đấu giá được gần 2 triệu đồng (theo giá thời đó), người trả giá 10 vạn cuối cùng cũng là ông Trịnh Văn Bô. Số tiền thu được quyên góp cho Nhà nước và gia đình tặng lại bức tranh cho Toà thị chính. |
Theo: Hồng Diễm