Ngược lại, các doanh nghiệp FDI tuy có cải thiện năng suất lao động nhưng tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu nội địa làm đầu vào lại thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia 2019, Tổng cục Thống kê cho biết: năng suất lao động (NSLĐ) nói chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2017 theo giá hiện hành đạt 298,7 triệu VND/lao động.
Trong đó, NSLĐ doanh nghiệp Nhà nước đạt 678,1 triệu VND/lao động, tuy nhiên NSLĐ của doanh nghiệp Nhà nước đạt mức cao chủ yếu vẫn dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài nguyên thiên nhiên; doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 228,4 triệu VND/lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 330,8 triệu VND/lao động.
So với các loại hình doanh nghiệp khác, NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp nhất; mặt khác, khoảng cách về năng suất lao động của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với doanh nghiệp ngoài Nhà nước đang ngày càng nới rộng.
Chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp của cả nước nên NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước ở mức thấp đã ảnh hưởng nhiều đến NSLĐ chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến NSLĐ của doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt thấp so với các loại hình doanh nghiệp còn lại do các doanh nghiệp ngoài Nhà nước phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia và học hỏi từ chuỗi giá trị do các doanh nghiệp FDI dẫn dắt và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian qua luôn có tác động tích cực đến cải thiện NSLĐ thông qua việc các doanh nghiệp này mang công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến vào đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguyên vật liệu làm đầu vào trong nước ở Việt Nam đạt 67,6%, thấp hơn nhiều so với một số nước như Trung Quốc (97,2%); Ma-lai-xi-a (99,9%) hay Thái Lan (96,4%).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.
Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
Thương chiến Mỹ-Trung đảo lộn cân bằng cung cầu hàng hóa Việt Nam ra sao?
Hoàng An
Theo Trí thức trẻ