Theo khảo sát của Jetro, có gần 50% DN Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời muốn mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian một đến hai năm tới.
Tại Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2021 vừa diễn ra, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) qua trực tuyến đã kí kết thỏa thuận hợp tác hai triển lãm quốc tế thường niên gồm triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản (SIE) và triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp (VME), diễn ra từ ngày 15 đến 17 tháng 9.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Cục xúc tiến thương mại phối hợp với Jetro tổ chức triển lãm SIE có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản.
Triển lãm SIE được tổ chức cùng thời gian và địa điểm với triển lãm VME , chuỗi sự kiện này sẽ là điểm nhấn, tích cực thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc công ty Reed Tradex Việt Nam, đại diện ban tổ chức triển lãm VME 2021, ngay trọng dịch COVID-19 đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Lần đầu tiên hai triển lãm trên sẽ được tổ chức trực tiếp và trực tuyến nhằm hỗ trợ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới, mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa DN trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa DN Nhật Bản và Việt Nam.
Trưởng đại diện Jetro ông Takeo Nakajima cho biết, triển lãm SIE được tổ chức với mục đích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản và cải thiện việc cung ứng linh kiện, phụ tùng.
Năm 2017, 2019 triển lãm được tổ chức tại Hà Nội đã có 136 DN Nhật Bản và Việt Nam tham gia với hơn 8.500 vụ đàm phán thương mại, tổng giá trị của hợp đồng là 3,8 triệu USD.
Năm 2021, có hơn 30 DN lớn, DN vừa và nhỏ Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực máy móc băng tải vận chuyển, điện, điện tử…Tất cả đều là DN sản xuất có nguyện vọng nội địa hóa sản phẩm tại Việt Nam.
Về phía Việt Nam chủ yếu là các DN có năng lực đã được đăng tải trong “tuyển tập DN Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo” của Jetro, với 30 DN lần đầu tham gia.
Cũng theo ông Takeo Nakajima, trước tác động của dịch COVID-19, DN Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm là khi tiến trình tự động hóa đã và đang thâm nhập thị trường, làm thế nào ngành công nghiệp sản xuất và ngành công nghiệp hỗ trợ có thể kịp thời thay đổi.
Ông Takeo Nakajima cho biết, khảo sát của Jetro có gần 50% DN Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời muốn mở rộng hoạt động kinh doanh trong thời gian một đến hai năm tới, con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu.
“Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của DN Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp khoảng 37%. Vì vậy, các DN Nhật Bản mong muốn nâng cao hơn nữa hoạt động nội địa hóa”, ông Takeo Nakajima nói.
THEO TUẤN DUY HTV./.