Thủy sản Việt Nam xếp thứ 11 về thị phần tại EU, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Canada, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy có hồi phục sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU được dự báo sẽ giảm tới 20% so với năm ngoái, đạt hơn 1 tỷ USD.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản” do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/10 tại Cần Thơ.
Dự hội thảo có đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại các nước Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary cùng đại diện các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, các hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho xuất khẩu thủy sản.
Tận dụng lợi thế này, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Cho đến hết tháng 9/2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 trên toàn cầu, giá trị sản xuất thủy sản tăng 2,48%, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã “thoát âm,” kim ngạch trong tháng 9 đã hồi phục mạnh khi đạt 92 triệu USD (tăng 13%) và lũy kế 9 tháng đạt 692 triệu USD.
Các chuyên gia châu Âu đánh giá hàng thủy sản Việt Nam rất có tiềm năng xuất khẩu sang EU. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng EU.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Piotr Harasimowicz, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan cho biết trung bình 64% người tiêu dùng Ba Lan ăn cá và hải sản ít nhất một lần một tuần, 28% ăn cá hai lần trở lên trong một tuần. Có 51% người dân Ba Lan lựa chọn sản phẩm tươi. Tuy nhiên, trong thời kỳ diễn ra đại dịch COVID-19, nhu cầu của khách hàng Ba Lan với các sản phẩm có hạn sử dụng dài hơn (đông lạnh, đóng hộp) ngày càng tăng.
Tính đến hết tháng 8, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Ba Lan đạt 19,6 triệu USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Dù chưa gặp khó khăn đặc biệt gì về hàng rào kỹ thuật nhưng ông Piotr Harasimowicz khuyên doanh nghiệp Việt Nam cần kiểm soát tốt chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu.Theo ông Piotr Harasimowicz, các mặt hàng đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cùng mức giá hợp lý là yếu tố quyết định để doanh nghiệp Việt Nam có thể giữ vững thị trường Ba Lan.
Ông Piotr Harasimowicz cũng đề nghị các doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh, xuất nhập khẩu với Ba Lan liên hệ với Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại để được hỗ trợ.
Báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) tại hội thảo cho biết trong số 805 doanh nghiệp của Việt Nam đang xuất khẩu thủy sản ra thị trường thế giới, hiện có 579 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU, chiếm 72%.
Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã thâm nhập tương đối sâu và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường các nước EU.
Thủy sản Việt Nam xếp thứ 11 về thị phần tại EU, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Canada, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).
EU đã công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam, công nhận NAFIQAD là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trong kiểm soát thủy sản nhập khẩu vào EU.
Các lô hàng xuất khẩu vào EU được thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm và cấp chứng thư an toàn thực phẩm…
Cơ quan thẩm quyền của EU định kỳ vẫn sang thanh tra và công nhận hệ thống kiểm soát của Việt Nam tương đương EU. Đó là những cơ hội cho thủy sản Việt Nam tại thị trường “Lục địa Già” trong bối cảnh EVFTA đã có hiệu lực.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU về việc cấm sử dụng chất chống ôxy hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản.
Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành hàng này cần tiếp tục cải tiến công nghệ, quản trị để phục vụ tốt nhất cho thị trường EU như áp dụng mã số vùng trồng, đảm bảo tiêu chuẩn ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản), phát triển các sản phẩm chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình…
Theo ông Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản-Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhập khẩu thủy sản của EU hằng năm hơn 22 tỷ USD, trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 1,2-1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn.
Trong giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU thấp nhất trong 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chỉ đạt 0,4%/năm.
EU giữ vững vị trí thứ hai (sau Mỹ) trong các thị trường của xuất khẩu tôm Việt Nam trong giai đoạn 2010-2019, mặt hàng tôm Việt Nam sang EU giai đoạn này tăng trưởng bình quân 8,7%/năm.
Ngược lại, dù EU là thị trường lớn thứ 3, sau Trung Quốc và Mỹ của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 10 năm qua nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU lại giảm bình quân 8,6/năm.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản sang EU năm 2020 đạt khoảng 1,037 tỷ USD, giảm 20% trong đó, mặt hàng cá tra đạt hơn 175 triệu USD (giảm 26%); tôm đạt hơn 527 triệu USD (giảm 24%); cá ngừ đạt hơn 131 triệu USD (giảm 6%)…
Trong 5 năm tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng tốt hơn nếu thẻ vàng IUU được tháo gỡ, tận dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA… với kim ngạch dự báo trong 5 năm tới đạt 1,2-1,5 tỷ USD/năm.
Theo TTXVN