(HNM) – Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng lao động tạm thời mất việc làm hoặc hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh, trong đó nhiều người có nhu cầu trở lại thị trường lao động càng sớm càng tốt. Thế nhưng, vì nhiều lý do, các cơ quan chức năng khó đưa “cung” gặp “cầu”.
Gia tăng số lao động mất việc làm
Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội) ngày 14-9, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, số người nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp khá đông. Anh Lê Văn Đà, tổ dân phố Chợ, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) cho biết: “Sau khi bị mất việc làm, từ tháng 6-2020 tôi đã “gõ cửa” nhiều nơi, nhưng chưa tìm được công việc mới. Không thể chờ đợi lâu hơn, tôi đi nộp hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Đây là việc đặng chẳng đừng với bản thân”.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của hơn 60.000 người, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm nhiều và tăng nhanh.
Không riêng Hà Nội, trên phạm vi cả nước, số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp từ đầu năm 2020 đến nay tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số lao động thiếu việc làm là hơn 1,4 triệu người (tăng hơn 600.000 người so với cùng kỳ năm 2019), số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1,3 triệu người (tăng gần 200.000 người so với cùng kỳ năm 2019).
“Số người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm hoặc đang thất nghiệp tập trung nhiều ở giới trẻ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động cũng như quá trình phát triển kinh tế – xã hội”, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình trăn trở.
Cần nhiều giải pháp hỗ trợ
Các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần, thường xuyên thu hút 40-60 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng, với số lượng lên tới hàng nghìn người. Cùng với Hà Nội, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm trên cả nước cũng “kích hoạt” các kênh kết nối cung – cầu lao động, nhưng cung – cầu lao động vẫn rất khó gặp nhau. Ông Nguyễn Viết Tuân, cán bộ tuyển dụng khu vực Hà Nội của Công ty cổ phần Mediamart Việt Nam cho biết, công ty đăng tuyển 20-30 lao động lắp đặt, sửa chữa các thiết bị điện tử, điện lạnh… từ đầu tháng 8-2020, nhưng đến nay vẫn chưa có lao động nào đáp ứng được yêu cầu công việc.
Lý giải nguyên nhân trên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, đa số doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động qua đào tạo, nhưng nguồn cung chủ yếu lại là lao động phổ thông, tập trung ở lĩnh vực đang thừa lao động, như may mặc, nhà hàng – khách sạn, dịch vụ du lịch… Về phía người lao động, do cuộc sống gặp khó khăn, họ thường lựa chọn phương án hưởng trợ cấp thất nghiệp, rồi làm tạm một công việc nào đó, thay vì học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. Điều này lý giải vì sao, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng, nhưng số người lựa chọn học nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm lại giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố chỉ có hơn 2.100 người thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp chọn học nghề, giảm gần 61% so với cùng kỳ năm 2019.
Để khắc phục tình trạng trên, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình kiến nghị, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ người lao động thông qua giải pháp cấp bách là hỗ trợ an sinh xã hội; đồng thời triển khai các giải pháp bền vững, như tăng cường tuyên truyền để người lao động tích cực học chuyển đổi hoặc nâng cao tay nghề khi mất việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn…
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, đến nay, cả nước đã cơ bản chi trả xong gói hỗ trợ an sinh xã hội cho gần 16 triệu người. Để hỗ trợ người lao động, các bộ, ngành chức năng đang đề xuất Chính phủ mở rộng gói hỗ trợ an sinh xã hội lần hai. Nếu được thông qua, cả nước sẽ có thêm 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động theo hướng bền vững.
“Với trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động, việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp hoặc tạm thời bị mất việc làm tham gia học nghề để chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết thêm.