“Sống chung với dịch không có nghĩa là mở cửa ồ ạt mà có lộ trình, theo thứ tự ưu tiên. Các đơn vị kinh doanh phải đảm bảo điều kiện an toàn”, GS Hoàng Văn Cường chia sẻ với Zing.
“Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh quan điểm này trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch. Đây cũng là bước chuyển trong tư duy chống dịch được nhiều chuyên gia ủng hộ.
Trao đổi với Zing, GS.TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng sự thay đổi này có ý nghĩa rất lớn.
Phải chấp nhận sống chung với dịch
– Tư duy, mục tiêu chống dịch của Việt Nam đã thay đổi từ việc muốn triệt tiêu hoàn toàn virus trong cộng đồng sang việc chung sống an toàn với virus. Theo ông, sự thay đổi này có ý nghĩa gì?
– Qua hơn một năm phòng chống, đến nay, dịch vẫn hiện hữu trên toàn cầu, kể cả những nước đóng cửa liên tục cũng như ở nước đã tiêm vaccine với tỷ lệ cao hàng đầu thế giới. Điều đó chứng tỏ dịch vẫn cứ tồn tại, virus cũng không thể bị triệt tiêu hoàn toàn và thế giới phải chấp nhận sống chung với dịch. Việt Nam không phải ngoại lệ.
Khi các nước đã bắt đầu mở cửa cho hoạt động giao lưu kinh tế trở lại bình thường thì chúng ta không thể đóng cửa mãi.
GS.TS Hoàng Văn Cường
Khi các nước đã bắt đầu mở cửa cho hoạt động giao lưu kinh tế trở lại bình thường thì chúng ta cũng không thể đóng cửa mãi, đặc biệt khi Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, phụ thuộc 200% vào hoạt động xuất nhập khẩu và giao lưu kinh tế quốc tế.
Với một bối cảnh như thế, chúng ta không thể nào cứ be bờ ngăn không cho dịch vào, đó là điều không tưởng. Nếu cố làm như thế, ngay lập tức chúng ta sẽ bị cách ly khỏi hoạt động kinh tế thế giới và nền kinh tế trong nước sẽ rất nguy kịch.
Bởi vậy, khi thế giới đã dần mở cửa và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, chúng ta cũng phải mở cửa để không lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới.
Đó là lý do của việc chúng ta thay đổi tư duy, chiến lược chống dịch từ việc trước đây muốn loại trừ hoàn toàn virus, không chấp nhận có dịch, sang xu hướng “sống chung với dịch một cách an toàn”.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, khi các nước đã bắt đầu mở cửa cho hoạt động giao lưu kinh tế trở lại bình thường, Việt Nam cũng không thể đóng cửa mãi. Ảnh: Thuận Thắng. |
Chúng ta cũng nhìn thấy hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhiều đơn hàng ký kết với bạn hàng thế giới không hoàn thành được dẫn đến mất thị trường, thậm chí một số nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư.
Nếu kéo dài tình trạng phong tỏa, giãn cách, không chấp nhận mở cửa để sống chung với dịch thì nguy cơ tăng trưởng kinh tế âm sẽ xảy ra với Việt Nam, trong khi tiềm lực về dự trữ quốc gia và dự trữ của người dân, xã hội lại rất thấp. Khi đó, kinh tế suy thoái có thể sẽ tạo nên khủng hoảng, gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
– Với quan điểm “sống chung với virus một cách an toàn”, ông hình dung bối cảnh bình thường mới hiện tại khác những giai đoạn trước như thế nào?
– Lần này, khi chúng ta mở cửa trở lại trong bối cảnh “bình thường mới”, sống chung với dịch, sẽ có nhiều thay đổi so với các hoạt động trong tình trạng bình thường.
Ngay trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cũng phải xém xét để tái cấu trúc và lựa chọn lại những hoạt động không cần thiết tập trung đông người hay tiếp xúc trực tiếp. Những cuộc hội họp quy mô lớn thì có thể chuyển sang họp online, hay cuộc đi công tác không cần thiết có thể chuyển qua làm việc trực tuyến.
Nếu không chấp nhận mở cửa để sống chung với dịch, nguy cơ tăng trưởng kinh tế âm sẽ xảy ra, trong khi tiềm lực dự trữ quốc gia và của người dân, xã hội lại rất thấp.
GS.TS Hoàng Văn Cường
Đặc biệt, trong bối cảnh này, việc tiệc tùng, liên hoan phải được hạn chế. Ngay cả nếp sinh hoạt của người dân cũng thay đổi, lúc nào cũng trong tâm thế cảnh giác, không còn duy trì tình trạng la cà, tập trung đông người ở quán nhậu, quán bar rồi tụ tập giao lưu…
Thói quen tiêu dùng trong xã hội chắc chắc phải thay đổi, thay vì chỉ quen dùng tiền mặt như trước đây có thể chuyển sang thanh toán qua mạng; thay vì mua sắm thương mại trực tiếp giờ sẽ chuyển mua sắm online, thực hiện các giao dịch thương mại điện tử. Đây là thách thức, song cũng là cơ hội thay đổi để thúc đẩy nền kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống xã hội.
Đặc biệt, môi trường sống sẽ thay đổi căn bản khi cuộc sống không chỉ nghĩ cho cá nhân mà mỗi cá nhân muốn an toàn phải cùng chung tay, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, để giúp xã hội an toàn.
Những vũ khí để sống chung với dịch
– Theo ông, chúng ta có tiền đề gì để bước vào trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo kịch bản kiểm soát dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế?
– Chúng ta cũng đã nhìn thấy một số tiền đề để có thể sống chung với dịch. Muốn sống chung với dịch phải trang bị đủ vũ khí, mà vũ khí đầu tiên chính là vaccine, phải tìm mọi nguồn để có vaccine nhiều nhất, sớm nhất và sớm tiêm cho người dân.
Chiến lược vaccine ở nước ta đang được thúc đẩy mạnh mẽ, và người dân Việt Nam tự giác trong việc đi tiêm vacicne. Vì vậy, chỉ cần có nguồn vaccine về thì chắc chắn độ tiêm phủ ở Việt Nam sẽ rất cao. Đó là điều kiện quan trọng giúp chúng ta có vũ khí sống chung với dịch.
Vũ khí quan trọng giúp Việt Nam sống chung với dịch chính là vaccine. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ý thức phòng dịch của người dân Việt Nam rất tốt. Trong khi thế giới gặp nhiều khó khăn trong thực hiện yêu cầu giãn cách, đeo khẩu trang hay cấm tập trung đông người, thì ý thức người Việt Nam trong việc này rất cao.
Nếu chúng ta mở cửa sớm để nền kinh tế phục hồi nhanh, theo được đà nền kinh tế thế giới thì chúng ta sẽ có tiềm lực kinh tế, từ đó mới có nguồn lực thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch hay nguồn lực đầu tư các trang thiết bị để chăm sóc, chữa trị cho những người không may bị nhiễm nặng. Đó cũng là một trong những điều kiện giúp sống chung với dịch một cách an toàn.
Muốn sống chung với dịch phải trang bị đủ vũ khí, mà vũ khí đầu tiên chính là vaccine.
GS.TS Hoàng Văn Cường
Đặc biệt, chúng ta phải chủ động các biện pháp, kịch bản trong kiểm soát dịch, xử lý kịp thời, nhanh, gọn những điểm phát sinh ổ dịch nặng. Chúng ta chấp nhận trong xã hội lúc nào cũng có dịch nhưng điểm phát sinh dịch nặng phải khoanh vùng, xử lý rất nhanh.
Ngoài ra, phải tiếp tục thúc đẩy ý thức tự bảo vệ của mỗi cá nhân trong việc thực hiện 5K. Vai trò của mỗi cá nhân và cộng đồng trong việc bảo vệ an toàn cho các vùng dân cư là rất lớn. Như ở Hà Nội vừa qua, mỗi cộng đồng dân cư đều có ý thức tự kiểm soát, tự bảo vệ mình, tự phát hiện hoạt động có nguy cơ lây nhiễm để loại trừ nên việc kiểm soát dịch có hiệu quả nhất định.
Về phát triển kinh tế, phải xây dựng các kịch bản và tiêu chí để lựa chọn, cho phép các hoạt động dần mở cửa trở lại.
– Tiêu chí để lựa chọn, cho phép các hoạt động dần mở cửa trở lại là gì, thưa ông?
– Sống chung với dịch không có nghĩa là mở cửa ồ ạt như giai đoạn trước mà phải có lộ trình, theo thứ tự ưu tiên và các đơn vị kinh doanh phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn.
Theo đó, cần ưu tiên là những hoạt động có thể diễn ra an toàn, mang ít nguy cơ lây nhiễm và nếu có lây nhiễm cũng không tràn lan theo số đông. Ví dụ, hoạt động sản xuất ngoài trời ít tiếp xúc (như hoạt động nông nghiệp, xây dựng công trình); hoạt động lưu thông hàng hóa không tiếp xúc trực tiếp hoặc hoạt động sản xuất trong các cơ sở kinh doanh nhưng có phân khu, phân lô, có tổ chức các vòng an toàn thành khu vực khép kín, có kiểm soát từ chỗ sản xuất đến nơi công nhân cư trú.
Còn những hoạt động có nguy cơ cao cần cân nhắc và không nên cho tái lập một cách vội vàng, ví dụ karaoke, vũ trường, nhà hàng tập trung đông người, tiếp xúc trực tiếp như quán bia vỉa hè. Đó là nơi có nguy cơ lây nhiễm và cần kiểm soát chặt chẽ.
– Xin cảm ơn ông!
Theo Zingnews