ng Quốc hội sáng 9/11, PGS.TS y khoa Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) dành phần lớn thời lượng để đóng góp đề xuất vào công tác chống dịch.
Mở đầu, ông Lân Hiếu thay mặt ngành y tế nói lời cảm ơn tình cảm người dân, đại biểu Quốc hội dành cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tại kỳ họp này, ông cho rằng phân tích của các đại biểu đã làm rõ hơn hạn chế, mặt chưa được của ngành y tế và là ý kiến quý giá để Quốc hội, Chính phủ, cử tri tham khảo. “Những ý kiến đó nhằm mục đích duy nhất để rút kinh nghiệm, để làm tốt hơn từ bây giờ”, ông Lân Hiếu nói.
Không nên giao một bộ chủ trì ứng dụng công nghệ chống dịch
Qua kinh nghiệm đúc rút được thông qua việc chống dịch ở nhiều địa phương cũng như học hỏi kinh nghiệm ở một số nước châu Âu, đại biểu tỉnh Bình Định nêu một số kiến nghị, mong Quốc hội, Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Ông Hiếu đề nghị khẩn trương ứng dụng tin học, công nghệ trong theo dõi, điều trị người mắc Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì lĩnh vực quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu phần mềm cần chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết trong lĩnh vực y tế, công an, quân đội và người đang trực tiếp tham gia chống dịch.
“Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh cần triển khai diện rộng toàn diện tránh hiện tượng ‘đầu voi, đuôi chuột’ dù mang tiếng là phần mềm của quốc gia. Rào cản lớn nhất là cơ quan quản lý Nhà nước chưa thống nhất quy định, quy trình chưa tường minh dẫn đến hiệu quả quá khiêm tốn trong khi tiềm năng của công nghệ thông tin là rất lớn”, vị chuyên gia đóng góp ý kiến.
Ông nhấn mạnh tiêu chí của phần mềm chống dịch cần là đơn giản và rộng mở. Đơn giản là bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất; rộng mở là thích ứng, tích hợp được tất cả phần mềm đã, đang và sẽ triển khai.
Ông Nguyễn Lân Hiếu (áo xanh) trong buổi kiểm tra của Thủ tướng tại một bệnh viện điều trị người mắc Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Ông Hiếu đề nghị tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ đối tượng nguy cơ cao nếu Covid-19 tấn công như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai; bảo vệ cơ sở y tế, viện dưỡng lão; tiêm phủ mũi 1 vaccine cho đại bộ phận dân số để ngăn chặn tử vong, rồi lần lượt tính đến mũi 2, mũi 3.
Về việc mở cửa, khôi phục hoạt động, đại biểu Lân Hiếu đánh giá lộ trình này cần được thực hiện từ từ, nhất quán, dựa theo khuyến cáo y khoa đã được kiểm chứng, không được cảm tính.
Ông cho rằng người dân có thể hướng về cuộc sống bình thường bằng cách tuân thủ quy tắc an toàn, không sợ Covid-19 nhưng xác định không được chủ quan. “Tôi tin Bộ Y tế đã chuẩn bị những nguyên tắc rất cụ thể, chỉ cần các tỉnh lắng nghe và tin tưởng thực hiện”, ông Hiếu nói.
Về kiến nghị trong thời gian tới, đại biểu Bình Định cho rằng Chính phủ cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở y tế cho tuyến quận, huyện, xã, phường, trong đó Quốc hội cần đưa mục tiêu cụ thể vào trong chương trình, nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2022 để thực hiện.
Thiệt thòi ngành y tế khó thay đổi
Chia sẻ thêm, đại biểu Hiếu nói ông luôn cảm thấy hai tình cảm trái ngược khi cầm tấm bằng khen trên tay.
“Vui có, nhưng buồn nhiều hơn. Buồn vì có bao nhiêu người xứng đáng hơn tôi chưa được ghi nhận. Buồn vì biết rằng mọi chuyện sau đó lại trở lại như cũ. Thiệt thòi của một ngành mà ai cũng ghi nhận lúc này, nhưng hết dịch lại chẳng hề thay đổi”, ông Hiếu nói.
Dẫn lại vụ việc lãnh đạo cấp cao ngành y tế bị khiển trách, thậm chí truy cứu hình sự là sự việc hết sức đau lòng, ông nhấn mạnh lỗi cá nhân phải trả giá. Song, lỗi quy trình, lỗi hệ thống đã được chỉ ra, sửa chữa thì khó vô cùng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quốc hội. |
Đại biểu Hiếu cho rằng giám đốc bệnh viện rất giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc nắm vững về quản lý với những quy định lắt léo như hiện nay. Ông mong có cơ chế rõ ràng đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men và tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn.
Dẫn quyết định của tỉnh Bình Dương bổ nhiệm ông làm giám đốc bệnh viện hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 và bổ nhiệm một người khác làm giám đốc lo việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, ông Hiếu cho rằng đây là mô hình mới, hoạt động trơn tru, hiệu quả. Dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách, đây là ví dụ cho thấy bất cập hạn chế cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt.
“Tôi tin chắc nếu cán bộ, nhân viên y tế được bảo đảm thu nhập, yên tâm công tác thì chúng tôi xin hứa ngành y chúng tôi sẽ không thua kém bất cứ ngành y nào trong khu vực”, ông Nguyễn Lân Hiếu nói và mong sau đại dịch, chế độ chính sách, bất cập của ngành y tế sẽ được giải quyết.
Ngày 4/11, ông Trương Quốc Cường (Thứ trưởng Bộ Y tế) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Cường là một trong những lãnh đạo cao nhất bị truy cứu trách nhiệm trong ngành y tế. Ngoài ra gần đây, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn; Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức Nguyễn Minh Quân và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cũng bị truy cứu trách nhiệm do các sai phạm về kinh tế.
Theo Zing