Ngày 2/7, Reed Tradex – nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á cùng Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Cục Xúc tiến Thương mại (VIETRADE) Bộ Công Thương đã tổ chức dưới hình thức trực tuyến Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác trong khuôn khổ 2 Triển lãm quốc tế thường niên là Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE) và Triển lãm quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp (VME) với mục tiêu thắt chặt quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, thúc đẩy ngành sản xuất, chế tạo phụ tùng công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Đồng thời, Ban tổ chức công bố khai mạc Diễn đàn Công nghiệp Việt Nam 2021, tổ chức trực tuyến cùng ngày với chủ đề “Kết nối Doanh nghiệp Việt vào Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và Thách thức hậu Covid-19”.
Trước bối cảnh đó, ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc, Công ty Reed Tradex Việt Nam, đại diện Ban tổ chức triển lãm VME 2021 chia sẻ: “Ngay trong đại dịch, Việt Nam tiếp tục được các định chế tài chính lớn đánh giá tích cực, ổn định, là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược TQ + 1 của các doanh nghiệp toàn cầu. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Thông qua sự kết hợp của Reed Tradex và JETRO, với sự hỗ trợ của VIETRADE, lần đầu tiên 02 Triển lãm SIE & VME năm 2021 sẽ được tổ chức với cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm hỗ trợ đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.”
Cùng ý kiến trên, Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, ông Takeo Nakajima, nhận định: “Tổng kim ngạch đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tính đến nay đứng thứ 2 xếp theo quốc gia cả về số dự án và số vốn. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2021, số dự án đầu tư giảm 30%, nhưng số vốn đầu tư đã phục hồi 5 lần do các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và đầu tư mở rộng. Theo khảo sát của JETRO, có gần 50% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh” trong thời gian 1 đến 2 năm tới, con số này tính trong phạm vi các nước ASEAN cũng thuộc top đầu. Tuy nhiên vẫn có những khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp, khoảng 37%, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn nâng cao hơn nữa hoạt động nội địa hóa.
Ông Takeo Nakajima nhấn mạnh rằng: “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản” (SIE) 2021 được tổ chức với mục đích nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản và cải thiện việc cung ứng linh kiện, phụ tùng. Tại 2 lần triển lãm trước (năm 2017 và năm 2019) được tổ chức ở Hà Nội đã có 136 doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tham gia với hơn 8500 vụ đàm phán thương mại, tổng giá trị của hợp đồng là 3.8 triệu USD. Năm 2021, phía doanh nghiệp Nhật Bản có 13 doanh nghiệp lớn và 7 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực máy móc băng tải vận chuyển có (6 doanh nghiệp), điện, điện tử (4 doanh nghiệp) và các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất gia công (dập, khuôn, gia công mạ). Tất cả đều là doanh nghiệp sản xuất có nguyện vọng nội địa hóa sản phẩm tại Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có năng lực đã được đăng tải trong “Tuyển tập doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo” của JETRO, với 30 doanh nghiệp lần đầu tham gia. Do vậy, tại triển lãm SIE lần này sẽ có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp xuất sắc và cả những doanh nghiệp mới của Việt Nam và Nhật Bản, hứa hẹn mang đến nhiều mối quan hệ hợp tác mới cho các doanh nghiệp.”
Trước tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm: Khi tiến trình tự động hóa đã và đang thâm nhập thị trường, làm thế nào ngành công nghiệp sản xuất và ngành công nghiệp hỗ trợ có thể kịp thời thay đổi, tạo nên biến chuyển đột phá, đưa Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp trọng điểm trong khu vực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Bộ Công Thương, phát biểu khai mạc và bày tỏ quan điểm: “Theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 và tăng lên 7,0% trong năm 2022. Mức tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại.
Bộ Công Thương hiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ phát triển đầu tư, ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, việc tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản do Cục XTTM phối hợp với Văn phòng JETRO tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản. Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 9 tại Hà Nội sẽ được tổ chức cùng thời gian và địa điểm với Triển lãm Quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam 2021. Tôi tin tưởng rằng chuỗi sự kiện này sẽ là điểm nhấn, tích cực thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.”
Với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ hơn 20 quốc gia cùng hơn 200 thương hiệu công nghệ & máy móc tiên tiến, các khu gian hàng quốc tế từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Đức, Nga, Ấn Độ, …Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE) và Triển lãm quốc tế về Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME) sẽ được diễn ra từ ngày 15-17/9/2021 với hai hình thức trực tiếp tại Trung tâm Triển lãm I.C.E Hà Nội (Cung Văn Hóa Hữu Nghị Việt Xô) và trực tuyến thông qua website VME. Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trực tiếp và trực tuyến xuyên suốt nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và khách tham quan kết nối cùng đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó, các chương trình thường niên như hội thảo, diễn đàn tiền triển lãm cũng sẽ được tổ chức với hình thức trực tuyến. Thông tin về triển lãm SIE & VME 2021, vui lòng xem tại: www.vme-expo.com
“Kết Nối Doanh Nghiệp Việt Vào Chuỗi Cung Ứng Toàn Cầu
Là sự kiện thường niên tiền triển lãm SIE và VME, lần đầu tiên năm 2021, Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam được tổ chức với hình thức trực tuyến, mang đến những cập nhật về tình hình thách thức và cơ hội đối với doanh nghiệp trong ngành cũng như chính sách hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức nhà nước và các tổ chức quốc tế dành cho các doanh nghiệp sau đại dịch.
Tại Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2021, bà Đỗ Thị Thúy Hương mang đến chia sẻ xoay quanh vấn đề “Doanh nghiệp Công nghiệp Hỗ trợ ngành điện tử tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19”. Bà Phạm Liên Anh trình bày biện pháp và ý tưởng “Phát triển Doanh nghiệp cung ứng trong bối cảnh hậu COVID – Vai trò của chuyển đổi số”. Từ góc nhìn của chuyên gia tư vấn doanh nghiệp và đơn vị đối tác của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đình Phong cập nhật “Chính sách ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp Chính phủ dành cho doanh nghiệp Công nghiệp và Công nghiệp Hỗ trợ”.
Tổ chức với hình thức trực tuyến và giới hạn số lượng khách tham gia nhưng các thông tin, tư liệu sẽ được Ban tổ chức Diễn đàn Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam 2021 công bố và chia sẻ phi lợi nhuận thông qua các cổng thông tin chính thức của triển lãm SIE & VME 2021 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ có thêm hành trang, kiến thức hữu ích vượt qua khó khăn sau đại dịch. Đây cũng là một trong những hoạt động vì cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp nằm trong dự án Cộng đồng Sáng Kiến doanh nghiệp trực thuộc triển lãm VME do Reed Tradex khởi xướng từ năm 2020.
THEO TUẤN DUY HTV./.