Trong báo cáo về Ngân hàng số khu vực Châu Á Thái Bình Dương đến năm 2025, Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC) nhận định, các ngân hàng Việt Nam đang xây dựng kế hoạch đầu tư vào kỹ thuật số cao nhất từ trước đến nay.
IDC dự báo, giao dịch ngân hàng bằng điện thoại di động tại Việt Nam sẽ tăng 400% đến năm 2025. Dự kiến Top 8 ngân hàng Việt sẽ có mức tăng trưởng tài khoản mới là 50%, nhờ việc ứng dụng công nghệ thông minh trong việc tạo tài khoản cho khách hàng.
IDC cho rằng, hợp tác với Fintech, cả trong nước và khu vực có thể tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho các ngân hàng Việt. “Trong thế giới số, ngân hàng không còn là bên duy nhất tạo ra giá trị cho khách hàng. Ngày nay, sức mạnh cạnh tranh đến từ việc kết nối tốt với những người chơi khác, gia tăng và chia sẻ giá trị. Các ngân hàng phải sử dụng các API mở để kết nối, cả trong nội bộ và bên thứ ba”, báo cáo của IDC nhận định về xu hướng ngân hàng số ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, xu hướng hợp tác giữa Fintech, Mobile Money và ngân hàng cũng đang ngày càng được khuyến khích.
Trong buổi làm việc mới đây với ngân hàng MB, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngân hàng muốn mở rộng thêm không gian số cần phải tìm bạn chứ không thể đi một mình. Thay vì xem nhau như đối thủ, các nhà băng có thể hợp tác với nhau để cùng tạo ra tập dữ liệu định danh số dùng chung. Họ cũng có thể xem Mobile Money như một kênh giáo dục thói quen tài chính cho người chưa có tài khoản ngân hàng.
“Mobile money giúp người dân quen dần, tiếp cận dịch vụ ngân hàng qua nhà mạng. Ban đầu chỉ thanh toán mấy trăm ngàn …nhưng khi nhu cầu đến hàng triệu đồng thì họ phải qua ngân hàng. Vậy thì ngân hàng phải hợp tác để đón vì các nhà mạng chỉ làm được một số cái đơn giản. Nên tư duy đối thủ ít đi, tư duy đối tác, hợp tác nhiều hơn. Đây hoàn toàn là do góc nhìn”, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.
Ông Richard D. McClellan, cố vấn cao cấp về chiến lược kinh doanh và phát triển kinh tế RMAC Advisory cho biết đang xuất hiện các hình thức hợp tác mới đáng kinh ngạc trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số đang thúc đẩy thanh toán điện tử với Fintech, ví điện tử và các giải pháp phi ngân hàng khác để lấp đầy khoảng trống mà các ngân hàng truyền thống để lại. Điều này cũng khiến các ngân hàng truyền thống phải cố gắng theo kịp, phát triển nền tảng của riêng mình để tích hợp tác với các định chế phi ngân hàng.
“Thực tế, Fintech vừa là đối tác tiềm năng, vừa là đối thủ đáng gờm với các ngân hàng truyền thống. Ở góc độ phòng thủ, Fintech sẽ cướp thị phần, khách hàng của ngân hàng. Nhưng ở góc độ tấn công, khi cùng bắt tay để xâm nhập thị trường tốt hơn thì đây là đối tác tuyệt vời”, ông Richard D. McClellan nhận định.
Bản thân các ngân hàng một mặt lo ngại về sự phát triển nhanh chóng của Fintech, mặt khác càng đánh giá cao xu hướng hợp tác với những công ty công nghệ tài chính này.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành BIDV cho rằng: “Fintech – đối thủ mới này rất linh hoạt, nhạy bén, có mô hình kinh doanh xác định rõ ràng, tận dụng thế mạnh về công nghệ của mình đã cung cấp các dịch vụ tài chính tương tự như ngân hàng nhưng mang lại trải nghiệp tốt hơn, tiện lợi, nhanh chóng và với chi phí thấp hơn”.
Mặt khác, theo lãnh đạo ngân hàng, BIDV cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các công ty Fintech khi đã kết nối với 24 công ty Fintech, 756 nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp trên 1.500 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng.
Đối với các tập đoàn viễn thông triển khai Mobile Money, Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó TGĐ VietinBank chia sẻ: “Có lẽ ai cũng nghĩ đây sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt bởi các công ty Telco đều là những công ty rất lớn, có tiềm năng tài chính và mạng lưới rộng”.
Song Mobile Money chỉ được cấp phép cung cấp dịch vụ thanh toán, nhưng một khi khách hàng đã sử dụng dịch vụ tài chính thì nhu cầu sẽ không chỉ giới hạn ở dịch vụ thanh toán và đó là lúc ngân hàng và các công ty Telco có thể bắt tay nhau. “Telco cung cấp các dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ và khi vượt qua hạn mức nào đó, ngân hàng sẽ trở thành “partner” của Telco để thực hiện các dịch vụ khác như cho vay, tiêu dùng,… Đây chính là cơ hội để hợp tác và cùng phát triển”, ông Lân cho biết.
Diệp Trần.Theo Trí thức trẻ