VTV.vn – Sau 5 năm quyết tâm đưa macca thành cây công nghiệp phát triển đại trà, đến nay, cây macca đã khẳng định được vị trí, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đó là những nhận định được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết phát triển cây macca và định hướng giải pháp trong thời gian tới diễn ra ngày 29/9 tại tỉnh Đăk Lăk. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Sau 5 năm triển khai quy hoạch, diện tích macca trên cả nước đã lên đến 16.000 ha, tổng sản lượng đạt khoảng 6.500 tấn hạt tươi. Xuất khẩu đạt 2.400 tấn sản phẩm thành phẩm. Tây Bắc và Tây Nguyên là khu vực còn nhiều tiềm năng về diện tích.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao các nhà khoa học đã đưa cây macca vào Việt Nam và bắt đầu thành công, nhất là chỉ 5 năm qua sản lượng đã tăng gần 25 lần. Nhu cầu trên thế giới còn rất cao và đây là cơ sở để Việt Nam đưa cây macca trở thành thế mạnh trong vòng 10 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần định hướng và định lượng trong thời gian tới làm sao để cây macca trở thành 1 trong 20 loại cây trồng rừng chính và xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD.
Một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất tại hội nghị đó là những định hướng mang tính dài hạn cho cây macca.
Số liệu cho thấy, hiện diện tích trồng macca ở Việt Nam đã lên tới 16.500 ha, vượt 5.500 ha so với quy hoạch, chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch 6.570 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015 (269 tấn).
Macca không đủ nguồn cung cho thị trường
Sự phát triển nhanh khiến nhiều chuyên gia lo ngại về dư thừa nguồn cung, kịch bản đã từng xảy ra với nhiều loại nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, sản lượng này vẫn còn thấp so với nhu cầu của thị trường, nhiều nơi trồng ra không đủ để bán.
Năm 2004, ông Cúc (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) trồng xen canh hơn 200 cây macca giống vườn nhà mình. Chỉ vài năm sau, vườn nhà ông đã cho thu hoạch, nhưng điều làm ông vui mừng hơn cả là bán rất nhanh giá lại cao.
Quả mắc ca được thu hoạch tại Đăk Lăk. (Ảnh: VGP)
Còn ông Phương (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk), 5 năm trước khi nghe thông tin về giá trị cây macca, ông đã đi tìm hiểu và mua giống về trồng. Từ 3 năm gần đây, vườn nhà ông mỗi năm cho thu hoạch gần 2,5 tấn hạt, mang về hàng trăm triệu đồng.
Một năm, Việt Nam sản xuất được khoảng 7.000 tấn hạt, hơn 80% sản lượng là xuất khẩu. Tuy nhiên theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, sản lượng trên là quá nhỏ so với nhu cầu của thị trường. Có thời điểm, khách hàng đặt mua nhưng không có để bán.
Diện tích trồng mỗi năm trên thế giới tăng 9%, nhưng sản lượng tiêu thụ lại tăng tới 12%. Chính vì vậy còn rất nhiều cơ hội để mở rộng diện tích cho cây macca ở Việt Nam.
Giống cây quyết định tới thành quả của người nông dân trồng macca
Sở dĩ hạt macca dễ tiêu thụ là bởi chứa nhiều dinh dưỡng, có thể sấy hay chế biến thành bột, thành sữa và chocolate nên khách hàng dễ lựa chọn, cũng vì vậy nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, giống cây là yếu tố quyết định.
Trong tổng số 16.500 ha macca đang trồng ở Việt Nam, có khoảng 2.300 ha chưa được kiểm soát về chất lượng giống. Đó cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc nhiều diện tích trồng không cho trái hoặc không đạt sản lượng, chất lượng. Do đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới Bộ và Hiệp hội macca Việt Nam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ người nông dân quy trình, từ cách chọn giống cho tới kỹ thuật.
Việt Nam được đánh giá là phù hợp trồng cây macca, đặc biệt ở những vùng có khí hậu không quá nóng. Cây macca cũng là cây dễ chăm sóc, dễ trồng, nhưng để cho hiệu quả bền vững, người dân cần chọn đúng giống chuẩn.
Theo Hiệp hội macca Việt Nam, cả nước hiện có 16 cơ sở cung cấp giống được công nhận đảm bảo các tiêu chuẩn đưa ra thị trường khoảng 3 triệu cây giống mỗi năm.
Trong tổng số 16.500 ha macca đang trồng ở Việt Nam, có khoảng 2.300 ha chưa được kiểm soát về chất lượng giống. (Ảnh: NLĐ)
Người dân mua giống ở các cơ sở hiệp hội công bố thì cây sẽ được đánh số để theo dõi từ nhỏ cho tới trưởng thành như một mã số định danh; đồng thời cũng trở thành thành viên của hiệp hội macca với nhiều lợi ích được hỗ trợ.
Hiện các doanh nghiệp cung cấp giống còn cam kết với nông dân, sau 5 năm mua cây giống về trồng, nếu macca không ra trái, họ sẽ đền bù gấp 12 lần giá trị ban đầu. Đây là một điều khẳng định hướng đi bền vững khi người dân trồng cây macca.
Ngành nông nghiệp cũng dự kiến sẽ thành lập các hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệp, hỗ trợ nông dân giống và các kĩ thuật trồng, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị: “Không để người trồng cây macca đơn thương độc mã”.