Trong khi các cơ sở kinh doanh không còn mạnh tay chi tiền thuê mặt bằng, chủ nhà lại khăng khăng giữ giá thuê ở mức cao như trước dịch, đẩy mặt bằng trung tâm vào cảnh ế ẩm.
Chuyên đi thuê mặt bằng, căn hộ, tòa nhà văn phòng sau đó cho thuê lại, ông Bùi Minh Thức, lãnh đạo TSA Land, cho biết đang gặp nhiều khó khăn với phân khúc mặt bằng kinh doanh, đặc biệt ở các khu vực quận trung tâm.
“Mặt bằng trống nhiều nhưng giá chúng tôi thuê vào vẫn rất ‘ảo’, chủ yếu do môi giới đẩy giá lên. Các tòa nhà cứ trống từ tháng này qua tháng nọ, còn chúng tôi muốn thuê với giá hợp lý hơn nhưng không thể thương lượng trực tiếp với chủ nhà”, ông nói với Zing.
Sự giằng co giữa chủ nhà và khách thuê
Bà L.T., chủ một cơ sở kinh doanh đang muốn mở thêm chi nhánh, đánh giá việc tìm kiếm mặt bằng trong giai đoạn này là một bài toán khó.
Tháng 11/2021, bà hỏi thuê một mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng giá 60 triệu đồng/tháng, chủ nhà đồng ý giảm 20% tiền thuê trong 3 tháng đầu và không tính thời gian thi công sửa chữa. Tuy nhiên khi đó, bà tính toán lại thấy chưa sẵn sàng mở rộng kinh doanh.
“Nay tôi liên hệ lại vẫn mặt bằng đó, giá thuê đã được nâng lên là 65 triệu đồng/tháng và không đi kèm bất cứ hỗ trợ nào. Thậm chí, chủ nhà còn cho biết đang có nhiều khách liên hệ, ai trả được giá cao hơn sẽ cho thuê”, bà L.T. chia sẻ.
Những mặt bằng trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) mòn mỏi chờ khách thuê. Ảnh: Chí Hùng.
Những mặt bằng trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) mòn mỏi chờ khách thuê. Ảnh: Chí Hùng. |
Một môi giới ở TP.HCM cũng thừa nhận mức hỗ trợ tối đa hiện nay từ các chủ nhà chỉ khoảng 10-15%. “Dù sao cũng đã thất thu cả năm qua, giờ có bỏ trống mặt bằng thêm vài tháng họ cũng chấp nhận, để chờ khách chịu giá cao như trước. Đa số chủ nhà ở trung tâm quận 1 đều có tiềm lực tài chính tốt nên họ không quá sốt sắng”, người này nói.
Còn với TSA Land, ở vai trò vừa đi thuê vừa cho thuê mặt bằng, ông Bùi Minh Thức nhìn nhận thị trường hậu Covid-19 đang tồn tại một nghịch lý. Các chủ nhà tự tin vào sự hồi phục kinh tế nên muốn giữ giá thuê, không hỗ trợ khách hàng.
Còn khách thuê vì còn nhiều băn khoăn với bối cảnh kinh doanh hiện tại nên không dám chi lớn cho mặt bằng. Họ thuê mặt bằng diện tích nhỏ hơn, khoảng 50-80 m2, ở những nơi khác quận 1, thay vì chấp nhận lỗ để quảng bá thương hiệu tại các vị trí đắc địa như trước dịch.
Theo chuyên trang Chợ Tốt Nhà, các quận ngoài rìa như quận 4, 6, 7 và Bình Thạnh đang có nhu cầu tìm thuê mặt bằng tăng mạnh, bằng khoảng 120-150% so với thời điểm trước Tết.
“Trong khi một mặt bằng 100 m2 trên đường Hai Bà Trưng (quận 1) có giá thuê lên đến 60-100 triệu đồng/tháng, các quận lân cận chỉ khoảng 25-35 triệu đồng/tháng. Chưa kể, ở những quận này, chủ nhà vẫn hỗ trợ giảm 5-10 triệu đồng, trong khi chủ nhà quận 1 nghĩ dịch đã hết”, ông Thức nói thêm.
Đây là lí do các mặt bằng ở trung tâm TP.HCM vẫn tiếp tục ế ẩm dù cuộc sống bình thường mới đã được thiết lập trong nửa năm qua. Đơn cử như ở một số trục đường tập trung nhiều văn phòng tại quận 1 như Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu, Cống Quỳnh, Chợ Tốt Nhà cho biết nhu cầu tìm kiếm luôn hiện hữu và tăng cao nhưng tỷ lệ liên lạc để thuê lại giảm.
Mặt bằng ế ẩm, giá vẫn cao
Khảo sát của Zing cho thấy từ Ngã 6 Phù Đổng chạy dọc con đường Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM), cứ cách vài căn lại có một mặt bằng trống. Giá thuê bình quân tại đây cũng như các tuyến đường lân cận Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi là khoảng 45-100 triệu đồng/tháng tùy diện tích mặt bằng và các tiện ích đi kèm.
Trong khi đó, ở trục đường chính của khu đất vàng quận 1 – Nguyễn Huệ, mặc dù số mặt bằng trống không quá nhiều, chủ yếu diện tích dưới 50 m2, nhưng giá thuê lại có chiều hướng tăng nhẹ sau Tết.
Thống kê từ Chợ Tốt Nhà ghi nhận từ mức 22 triệu đồng/tháng cho mặt bằng khoảng 40 m2 hồi tháng 1, giá thuê tại đây đã được nâng lên thành 30 triệu đồng/tháng cho căn chỉ 25 m2.
Chuyên trang này đánh giá đây là khu vực có giá thuê cao bậc nhất TP.HCM. Đáng chú ý, một mặt bằng có diện tích sử dụng hơn 400 m2 đang được chào thuê với giá 345 triệu đồng/tháng.
Giá thuê mặt bằng khu vực trung tâm đang cao gấp 2-3 lần các quận khác ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Những mức giá này cao gấp 2-3 lần các khu vực rìa trung tâm. Chẳng hạn, tại quận Phú Nhuận, khách hàng chỉ cần chi 78 triệu đồng/tháng để thuê một mặt bằng rộng trung bình 200 m2. Một mặt bằng tương tự ở quận 7 cũng đã giảm giá thuê còn khoảng 110 triệu đồng/tháng. Còn giá thuê trung bình cho mặt bằng khoảng 230 m2 ở quận 3 ở mức 97 triệu đồng/tháng.
Thậm chí, ngay tại con phố thời trang Nguyễn Trãi (quận 5), nơi đang ghi nhận tình hình khách thuê sôi động, các mặt bằng có diện tích tương đối lớn từ 270-300 m2 có giá thuê trung bình từ 65 triệu đồng/tháng vào thời điểm trước Tết, nay cũng đã giảm còn 55 triệu đồng/tháng chỉ sau hơn 1 tháng.
“Xu hướng tìm kiếm mặt bằng có chi phí hợp lý, cùng chiến lược kinh doanh tập trung vào các nền tảng trực tuyến, giao hàng tận nơi sẽ tiếp tục chi phối thị trường mặt bằng cho thuê. Do đó, tình trạng ế ẩm vẫn sẽ tiếp diễn ở khu vực trung tâm ít nhất đến hết năm nay, trong khi phân khúc mặt bằng diện tích nhỏ, giá thấp, ở các quận đông dân cư sẽ hồi phục trước”, vị đại diện TSA nhấn mạnh.
Theo Zing