Việc đề xuất bổ sung quy định cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu là xuất phát từ nhu cầu và diễn biến hiện có trên thị trường.
Người tiêu dùng và giới quan sát chính sách vẫn chưa quên sự kiện Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 (Idemitsu Q8) trình làng cửa hàng xăng dầu ngoại đầu tiên cách đây 2 năm tại Hà Nội nhờ cam kết với Chính phủ khi trở thành cổ đông lớn trong dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Thị trường khi đó được thổi một luồng gió mới mẻ và thêm nhiều hy vọng hơn vào việc mở cửa thị trường xăng dầu.
Đã có sẵn nhà đầu tư nước ngoài
Tuy nhiên, phải mất thêm hai năm, một đề xuất chính thức về sự mở cửa thị trường xăng dầu mới được đưa ra sau rất nhiều đắn đo. Bản thân những người làm chính sách đã nhận thấy lợi ích thực sự từ việc tạo “room” cho nhà đầu tư ngoại quốc dù sức ép mới trên thị trường được dự báo là không nhỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, cho biết điểm mới nhất trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu là cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 34% và phải được Bộ Công Thương chấp thuận.
Các chuyên gia cho rằng việc mở cửa thị trường xăng dầu dù chỉ ở mức độ nhất định cũng sẽ giúp ngành này có nhiều thay đổi theo hướng tốt hơn Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Trần Duy Đông, thực tế thời quan qua, tại nhiều doanh nghiệp (DN) lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các biên bản thỏa thuận, dưới sự cho phép của Chính phủ. “Khi soạn dự thảo luật, chúng tôi không thể bỏ qua đề xuất này bởi xuất phát từ nhu cầu thực tế, các nhà đầu tư, các quỹ và các DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nước ngoài rất muốn hợp tác với DN Việt Nam. Ngược lại, DN trong nước cũng muốn hợp tác với DN nước ngoài với nhiều mục tiêu như thu hút vốn; học tập kinh nghiệm kinh doanh, phân phối và quản trị; được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất. Chưa kể, khi tới thăm các điểm kinh doanh xăng dầu ở nước ngoài, chúng tôi còn nhận thấy họ không chỉ bán xăng dầu mà còn rất thành công trong phân phối những sản phẩm, chế phẩm kèm theo. Mở cửa cho họ vào ngành xăng dầu sẽ tận dụng được nguồn lực và học hỏi được rất nhiều” – ông Đông phân tích.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) chỉ rõ liên doanh của một số nhà đầu tư nước ngoài với DN trong nước, chẳng hạn nhà đầu tư Nhật đầu tư vào Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), không được thực hiện theo pháp luật chung của Việt Nam mà là cam kết riêng của Chính phủ với nhà đầu tư. Ngay cả việc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán lẻ tại thị trường Việt Nam cũng là một phần của những cam kết đó khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án. Với thực tế như vậy, không thể không sửa Nghị định 83 theo hướng quy định chính thức cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường theo một tỉ lệ nhất định và dưới sự giám sát của nhà nước. “Đề xuất mới nêu trên trong dự thảo nghị định là đi sau diễn biến thị trường chứ không phải nắm bắt trước. Dù sao tôi cho rằng đây cũng là một đề xuất kịp thời bởi trước sau gì cũng đến lúc mở cửa. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho chuyện này và sớm biết sẽ phải có một đợt chia sẻ lại thị phần trên thị trường. Nhưng chúng tôi đang đợi quyết định chính thức để đánh giá quy mô ảnh hưởng và bàn phương án ứng phó” – lãnh đạo Saigon Petro nhận xét.
Lợi ích đi đôi với sức ép
Vụ trưởng Trần Duy Đông thừa nhận việc mở cửa không chỉ giúp người tiêu dùng mà nhà nước cũng được hưởng lợi, đặc biệt lợi ích với người tiêu dùng sẽ rất lớn bởi chỉ có cạnh tranh mới đem lại dịch vụ tốt. “Ở lĩnh vực nào cũng vậy, có sự cạnh tranh từ nước ngoài sẽ khiến DN nội buộc phải đầu tư mạnh hơn vào quản trị, sản xuất, từ đó thị trường sẽ hoạt động bài bản hơn. Đó là sức ép rất lớn mà DN trong nước phải vượt qua” – ông Đông nhìn nhận.
Tất nhiên, sẽ có những câu hỏi đặt ra về cơ sở đề xuất tỉ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là 34% chứ không phải một con số lớn hơn. Đặc biệt, chỉ DN Việt Nam có hoạt động sản xuất, chế biến xăng dầu mới được chuyển nhượng cổ phần, còn DN thuần phân phối sẽ không được phép. “Xăng dầu vẫn là một mặt hàng chiến lược và cần bảo đảm an ninh năng lượng. Chúng tôi đề xuất mở “room” 34% để bảo đảm nhà nước được quyết định hoặc phủ quyết những quyết sách quan trọng nhằm giữ được ổn định, đặc biệt là để giữ được thị trường bán lẻ theo tinh thần chung của Thủ tướng và Bộ Công Thương. Phía nhà đầu tư nước ngoài tuy không có quyền phủ quyết nhưng vẫn được quyền góp ý chính sách, đưa ra ý kiến để từ đó hoàn thiện thị trường hơn. Tất nhiên, tỉ lệ cuối cùng sẽ được Chính phủ quyết định, dựa trên tham vấn ý kiến nhiều bên” – ông Đông nói thêm.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, nhận xét luật hóa quy định cho nhà đầu tư nước ngoài bước vào thị trường xăng dầu Việt Nam sẽ phá vỡ trật tự vốn, góp phần đưa hoạt động kinh doanh xăng dầu dần tiến tới thị trường đúng nghĩa hơn. “Dù mức mở cửa là bao nhiêu phần trăm cũng là động thái rất tốt, sẽ gây sức ép lớn lên những DN nội vốn đang thao túng thị trường, đặc biệt là với DN thị phần dẫn đầu như Petrolimex. Dù cơ chế quản lý giá vẫn được nhà nước duy trì nhưng sự có mặt của nước ngoài cũng sẽ khiến giá, dịch vụ dần được chuyển đổi, điều tiết theo đòn bẩy của cơ chế thị trường” – ông Thịnh nêu quan điểm.
Cần cơ chế liên ngành giám sát
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, đề xuất trao quyền cho Bộ Công Thương thẩm định, giám sát và cho phép DN nước ngoài được tham gia thị trường xăng dầu là chưa hợp lý. Bởi vì, bộ quản lý ngành có thể sẽ không đủ công tâm, nhất là đặt trong mối quan hệ với các DN “con cưng”. Trong khi đó, việc giám sát hoạt động mở cửa là rất quan trọng bởi chưa thể đột ngột mở cửa tùy tiện với một thị trường nhạy cảm. Do đó, cần cơ chế liên ngành để quyết định việc này.Lại đặt vấn đề giữ hay bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
Theo Phương Nhung
Người lao động