Hà Nội đang cữ nắng hanh, nét đặc trưng của mùa đông vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Sáng sớm, trời có sương mù, báo hiệu sẽ nắng to. Chỉ tầm già nửa buổi, nắng đã lên khắp trong cái rét ngọt, trời chuyển xanh ngắt. Không phải cái nắng mùa hè oi nồng, không giống nắng thu mơn man, mát nhẹ.
Nắng hanh làm dịu đi cái lạnh nhưng vẫn làm người ta cảm nhận được tiết trời mùa đông mà không thể rời xa những áo len, áo khoác, những tấm khăn choàng dày, mỏng. Cữ nắng hanh tháng một ta cũng là thách thức cho làn da thiếu nữ. Bất chấp cái nắng hòa ngọt cùng cái rét, làn da thiếu nữ cứ hây hồng, mơn mởn đầy sức thanh tân.
Nắng hanh nay gọi những kỷ niệm xưa. Ngắm những cô hàng rong với những mẹt rau củ mùa đông đẹp mắt, đủ cả cải bẹ xanh ngọc, cà chua đỏ mọng, củ cải trắng ngà… trên phố trong cữ nắng hanh lại nhớ đến kỷ niệm về mẹ, về những người phụ nữ Hà Nội tần tảo, lam làm, vén khéo.
Với các bà nội trợ Hà Nội xưa, nắng hanh là dịp của bao công việc trước khi mùa đông thật sự ập tới với mưa dầm, gió bấc. Cái thời còn chưa có máy sấy, máy giặt hiện đại, cữ nắng hanh là dịp để phơi phóng những chăn bông, chăn dạ, những tấm áo đại hàn. Thật thú vị, khi vào ngày gió bấc kéo về, được mẹ khoác cho tấm áo bông đại hàn còn thơm mùi nắng.
Nắng hanh còn là trợ thủ đắc lực của các bà, các cô trong việc chuẩn bị các món ăn mùa đông. Có vẻ hợp nhất với nắng hanh là món củ cải khô. Loại củ cải giống xưa không to như giống ngoại nhập bây giờ, nhưng chắc nịch thường được các bà, các cô chọn làm nguyên liệu cho món củ cải khô. Mua được mớ củ cải ưng ý, mẹ tôi bao giờ cũng chọn những củ non, luộc một bữa đầu tiên. Thật đẹp mắt khi nhìn đĩa củ cải luộc, những lát củ màu trắng ngà lẫn dọc cải xanh đậm làm nên một hòa sắc tuyệt vời. Khi luộc củ cải, bao giờ mẹ cũng nhớ cho thêm quả trứng vịt, để dầm nước mắm chấm rau. Còn cha tôi lại có khẩu vị riêng, người ưa chấm củ cải luộc với chút mắm tép mà mẹ tôi mới làm, vừa ngấu.
Củ cải ta chắc, trắng được mẹ bổ ra thành những miếng nhỏ như những miếng cau tươi. Bà bảo bổ thế khi khô đi là vừa, nhỏ quá không giòn. Chỉ vài buổi được nắng, là củ cải khô lại, chuyển sang màu vàng ngà. Cái khó của việc phơi củ cải là phải canh chừng, khi sắp hết nắng là phải cất vào ngay, kẻo gặp sương xuống, sẽ bị mốc. Tôi học buổi sáng, lại là đứa mê món củ cải dầm nhất nên mẹ giao cho nhiệm vụ ấy. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh mẹ để nắm củ cải khô được nắng trong lòng bàn tay đưa lên mà hít hà với vẻ hài lòng: Củ cải được nắng thơm như nấm!
Sinh thời, năm nào mẹ tôi cũng phải làm vài mẻ củ cải khô trong cữ nắng hanh. Thi thoảng bà mới dầm bát nhỏ với tỏi, ớt, nước mắm để thêm vào mâm cơm. Đa phần bà dành cho món đặc biệt mà mỗi năm bà chỉ làm vài ba lần vào dịp giỗ, tết: Bún thang. Bà bảo món bún thang mà thiếu những miếng củ cải giòn giòn, ngòn ngọt thì không nổi vị.
Để có món mắm tép chiều khẩu vị của cha, cữ nắng hanh cũng là lúc mẹ tôi đưa mấy lọ mắm tép mới làm ra phơi. Bà bảo được nắng, mắm sẽ ngấu mà lên màu đỏ, ngon và đẹp. Đây cũng là cái khác nhau giữa nắng hanh mùa đông và nắng oi mùa hạ. Cũng cữ nắng này, dù khó khăn, mẹ tôi hay tự tay làm chục đôi lạp xường, thứ thực phẩm hiếm hoi thời bao cấp. Tự bà lên Hàng Buồm, phố của người Hoa mua gia vị, ruột lợn. Cũng một tay bà pha thịt, tẩm ướp, nhồi. Những cặp lạp xường treo trên dây phơi quần áo để tránh lũ kiến, cứ dần lên màu đỏ au trong cái nắng hanh hao, để một sáng chủ nhật mùa đông nào đấy lũ nhóc chúng tôi không thể nằm rốn trong chăn ấm bởi mùi xôi nếp lạp xường thơm nức từ dưới căn bếp nhỏ.
Đã quá nửa đời người, tôi vẫn không thể quên cái cảm giác sung sướng khi được thưởng thức đĩa xôi nếp thơm, phía trên trải một lớp những lát lạp xường thái mỏng tưởng có thể nhìn rõ những hạt xôi căng mọng qua lớp mỡ, thớ thịt pha màu đỏ trắng. Và bao giờ mẹ tôi cũng làm đẹp thêm đĩa xôi bằng cách rải lên mấy cọng rau mùi đầu mùa xanh ngọc.
Nâng vại bia hơi trong cữ nắng hanh lại nghĩ đến cái thú chia nhau hớp rượu lúc mưa phùn gió bấc tiết trọng đông. Chợt ngộ một điều không hề mới: Hà Nội luôn đẹp, chỉ cần ta biết cảm nhận chờ đón…
PHƯƠNG QUANG/ NSHN