Năm 2020 chứng kiến sự “nhảy vọt” của thanh toán điện tử, hay thanh toán không dùng tiền mặt, với số lượng giao dịch tăng trưởng tới 230%. Nhưng năm 2021 được dự đoán sẽ là năm tăng trưởng thần tốc của dịch vụ này.
Thanh toán điện tử tăng trưởng mạnh trong năm 2020
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi lên Quốc hội mới đây, tính đến cuối tháng 8/2020, Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 981% và 794% so với cùng kỳ năm 2016.
Còn theo thống kê tại nhiều ngân hàng, đơn cử như ngân hàng VIB, trong 10 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ e-banking của ngân hàng này tăng 77%, giao dịch trực tuyến tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái, 98% số lượng lệnh chuyển tiền và 88% tổng số lượng giao dịch được thực hiện qua e-banking. Tiền gửi tiết kiệm qua kênh trực tuyến tăng gấp đôi so với cuối năm 2019.
Sự tăng trưởng “nhảy vọt” của thị trường thanh toán điện tử trong năm 2020 đến từ nhiều yếu tố như chủ trương và giải pháp hỗ trợ thiết thực của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, thói quen của người tiêu dùng thay đổi do đại dịch, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các đơn vị trung gian thanh toán, tiếp đó, phải kể đến là sự nỗ lực của các ngân hàng trong việc phát triển hạ tầng công nghệ và đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Báo cáo do Vietnam Report công bố trong tháng 6 cho thấy, 100% ngân hàng đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số như Internet Banking, Mobile Banking… Trong khi con số này trong lần khảo sát của năm 2018 chỉ là 93%. Hiện Việt Nam có 78 ngân hàng triển khai Internet Banking và 49 ngân hàng có ứng dụng Mobile Banking, có khoảng 30 ngân hàng và 6 tổ chức trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 80.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các ngân hàng đang từng bước áp dụng công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (IoT), Big Data, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud) để tái định hình mô hình kinh doanh, phát triển thanh toán điện tử, quản trị, phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
VIB và những nỗ lực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Gần đây nhất, VIB cho ra mắt tài khoản ngân hàng số với bộ ba giải pháp thanh toán gồm: tài khoản, ứng dụng ngân hàng di động và thẻ thanh toán toàn cầu chỉ sau vài phút định danh online. Đây là một trong những tài khoản ngân hàng số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam khi toàn bộ quy trình mở và sử dụng tài khoản đều được thực hiện online, khách hàng không cần đến quầy giao dịch, không tiếp xúc tư vấn viên và không nộp hồ sơ giấy.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà – Giám đốc Chuyển đổi số của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết: “Là ngân hàng dẫn đầu làn sóng chuyển đổi số, chúng tôi chú trọng tăng trải nghiệm khách hàng bằng những giải pháp chuyên biệt. Với bộ ba giải pháp thanh toán số này, việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ, trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và gia tăng tiện ích cho khách hàng, đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm”.
Trước đó, Ứng dụng MyVIB và dịch vụ ngân hàng điện tử của VIB được tạp chí tài chính quốc tế The Asset vinh danh Ngân hàng số của năm và Trải nghiệm Khách hàng tốt nhất suốt 4 năm liền. Ngân hàng cũng phát triển nhiều tính năng, tiện ích trên ngân hàng di động để phục vụ nhu cầu tài chính đa dạng của khách hàng. Ngoài các tính năng truyền thống như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn điện, nước, quản lý thẻ tín dụng, nạp thẻ điện thoại, người dùng nay cũng có thể sử dụng ứng dụng ứng dụng này để nạp tiền vào các ví điện tử, thanh toán QR, đăng ký bảo hiểm sức khỏe toàn diện. Mạng lưới đối tác, hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng số của VIB vẫn đang tiếp tục mở rộng, mang lại hàng trăm tiện ích tài chính cho khách hàng, góp phần tạo thói quen và thúc đẩy thanh toán, chi tiêu không dùng tiền mặt.
Các chuyên gia nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán điện tử, ngân hàng số lên một tầm cao mới. Cộng hưởng với nhiều yếu tố từ chính sách, thị trường, bằng năng lực triển khai và kinh nghiệm cùng mạng lưới đối tác rộng khắp, các ngân hàng năng động về công nghệ và chiến lược hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử phát triển thần tốc trong năm 2021.
Ánh Dương
Theo Nhịp sống kinh tế