Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động vay đến 100 triệu đồng, chính thức mở đường cho dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, quy định mới về thời điểm xác nhận hồ sơ nộp thuế điện tử…là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2019.
Nâng hạn mức vay cho người lao động lên 100 triệu đồng
Có hiệu lực từ 8/11, Nghị định 74/2019 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định tăng hạn mức vay, hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh lên tối đa là 2 tỷ đồng/dự án (hiện hành là 1 tỷ đồng) và không quá 100 triệu đồng cho một người lao động (mức hiện nay là 50 triệu đồng).
Ngoài ra, nghị định này cũng quy định tăng thời hạn vay vốn lên tối đa 120 tháng thay vì 60 tháng như hiện nay. Người lao động vay từ 100 triệu đồng trở lên mới cần có tài sản bảo đảm tiền vay thay vì mức 50 triệu đồng như hiện hành.
Quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
Có hiệu lực từ ngày 1/11, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ có nhiều nội dung mới, trong đó đã bổ sung khái niệm về Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đây là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Luật này cũng quy định cá nhân chỉ được quyền cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm; Còn doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức khác có tư cách pháp nhân được quyền cung cấp tất cả dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Việc cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của cá nhân, tổ chức phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật…
Hôn người dưới 16 tuổi có thể bị coi là Dâm ô trẻ em
Từ ngày 5/11/2019, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có hiệu lực.
Nghị quyết này định nghĩa cụ thể về các hành vi dâm ô trẻ em. Theo đó, dâm ô là hành vi của người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận của người dưới 16 tuổi, có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục như: Hôn người dưới 16 tuổi…
Cũng theo Nghị quyết, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; Không đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; Không buộc bị hại phải tham gia phiên tòa…
Cấm cán bộ quản lý thị trường gợi ý, đòi hỏi vật chất với người đang bị thanh, kiểm tra
Thông tư 18/2019 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường có hiệu lực từ ngày 15/11 đã bổ sung lên 25 hành vi cấm với cán bộ, công chức quản lý thị trường thay vì 15 hành vi như hiện hành.
Cụ thể Thông tư bổ sung hành vi: Gợi ý, đòi hỏi phải thỏa mãn các lợi ích vật chất, phi vật chất hoặc cố ý vay mượn tiền bạc, mua hàng của tổ chức, cá nhân đang trong quá trình thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
Các hành vi bị cấm khác gồm: Tiết lộ trái phép thông tin liên quan đến bí mật nhà nước; sử dụng thông tin, tài liệu có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác để cung cấp, tư vấn trái phép cho tổ chức, cá nhân khác hoặc để khiếu nại, tố cáo trái pháp luật gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan chức năng…
Hướng dẫn mới của Bộ Tài chính về hóa đơn điện tử
Một trong những văn bản quan trọng nhất sẽ có hiệu lực trong tháng 11/2019 chính là Thông tư 68 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn điện tử. Thông tư 68 có hiệu lực từ ngày 14/11/2019.
Theo Thông tư này, từ ngày 1/11/2020, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.
Thông tư này quy định cụ thể về các nội dung có trên hóa đơn điện tử nhưng trong một số trường hợp nhất định, trên hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung.
Ví dụ, không nhất thiết phải chữ ký điện tử của người mua; Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua…
Thông tư này cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm thông tin về biểu trưng hay logo để thể hiện nhãn hiệu, thương hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán trên hóa đơn điện tử.
Từ 25/11/2019, tổ chức có thể là thành viên của tổ hợp tác
Nếu như trước đây, theo Nghị định 151/2007/NĐ-CP, thành viên tổ hợp tác chỉ có thể là cá nhân thì từ 25/11/2019, theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP , thành viên tổ hợp tác còn có thể là tổ chức.
Theo đó, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Tổ hợp tác hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác. Trong đó, hợp đồng hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận; được lập thành văn bản, có chữ ký của 100% các thành viên trong tổ hợp tác.
Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn 50% tổng số thành viên hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.
Hồng Vân
Theo Nhịp sống kinh tế