Thứ sáu 04/06/2021 09:27Ngày 3/6, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cho biết, những chất mới được phát hiện có tính năng tác dụng tương tự như chất ma túy có trong danh mục, thậm chí có tính năng tác dụng mạnh hơn một số chất đã được phát hiện trong nhóm cần sa tổng hợp.
Theo Viện Khoa học hình sự, thời gian gần đây, tội phạm ma túy đã chế tạo ra những chất mới chưa có trong danh mục cấm để lách luật. Những chất mới chưa có trong danh mục cấm, nhưng tác dụng với người dùng cũng không khác gì ma túy.
Tính đến tháng 6/2021, lực lượng Khoa học hình sự đã phát hiện thêm 8 chất có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.
Một số chất mới này có tính năng, tác dụng như chất ma túy không có trong danh mục của Việt Nam
Trước đó, trong năm 2020, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều chất ma túy, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục Nghị định 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất.
Thủ đoạn của các đối tượng là khi một chất bị phát hiện và đưa vào Danh mục thì chúng lại sử dụng một chất hoàn toàn mới để lách luật (năm 2020 sử dụng chất MDMB-4en-PINACA).
Các đối tượng đã nghiên cứu kỹ danh mục chất ma túy của Việt Nam để “sáng chế”
Thực tế, có một số vụ việc khi bị bắt, các đối tượng khai nhận, cũng đã nghiên cứu kỹ danh mục chất ma túy của Việt Nam và khó xử lý được đối tượng với các mẫu vật thu được.
Điển hình như vụ đối tượng Schalk, quốc tịch Nam Phi vận chuyển 10 túi nilon có chứa các viên nén nghi ma túy qua sân bay Nội Bài ngày 12/6/2020; hay vụ mua bán trái phép chất ma túy nhưng sử dụng tiền chất mới tại Vĩnh Phúc ngày 4/9/2020.
Những chất mới có tính năng tác dụng như chất ma túy được Viện Khoa học hình sự thu được
Đặc biệt qua giám định đã phát hiện thủ đoạn rất tinh vi của tội phạm ma túy là dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy.
Ví dụ như tìm thấy chất Acetylpsilocine (thời điểm trước tháng 5/2020 chưa nằm trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam) là dẫn xuất của Psilocine trong viên nén, khi uống vào cơ thể nó sẽ chuyển hóa và giải phóng ra chất Psilocine có tác dụng gây tác dụng ảo giác mạnh (Psilocine là chất có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam). Trong tự nhiên, Psilocine và Psilocybine tìm thấy có đồng thời trong mẫu thực vật “nấm thức thần” chứa chất ma túy. Tuy nhiên, trong một số mẫu chỉ tìm thấy Psilocine mà không tìm thấy Psilocybine cũng như các thành phần thực vật. Như vậy, các viên nén ma túy không được sản xuất ra từ bột cây “nấm thức thần” mà có thể Psilocine được tách chiết ra từ “nấm thức thần” hoặc từ tổng hợp hóa học.
Các đối tượng “sáng chế” ra loại chất mới chưa có trong danh mục chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam
Hay như đã phát hiện đối tượng hòa tan chất hướng thần vào các chai, lọ đựng dung dịch thuốc lá điện tử (giữ nguyên chai, lọ đựng; màu sắc, mùi vị của dung dịch) và dùng dụng cụ hút thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép; phun, tẩm chất hướng thần vào sợi thuốc lào (loại thuốc lào sẵn có trên thị trường) để sử dụng…
Điều đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là các chất này được phun tẩm vào thuốc lào, thuốc lá hay trong dung dịch thuốc lá điện tử với liều lượng không xác định, có thể quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn đến nguy cơ mất khả năng kiểm soát hành vi, ảo giác, kích thích thần kinh, gây nguy hại không những cho bản thân, có thể tử vong khi quá liều và gây nguy hiểm cả với những người xung quanh, những người thân trong gia đình và xã hội như một số trường hợp đã từng xảy ra do hiện tượng ngáo ma túy thời gian qua mà các phương tiện truyền thông đã từng đưa tin.
Thượng tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học hình sự cho biết, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy đã gây thêm khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, giám định.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng đã lợi dụng thành tựu của khoa học, đặc biệt là công nghệ hóa học, dược học để phạm tội và che giấu hành vi phạm tội. Khi có một chất ma túy mới bị phát hiện được đưa vào diện kiểm soát thì liên tục xuất hiện những chất mới có tính năng tác dụng tương tự thay thế, điển hình là ma túy nhóm cần sa tổng hợp. Số lượng chất ma túy hiện nay được quản lý tăng lên gấp hơn hai lần so với trước (có 543 chất ma tuý và 57 tiền chất). Vì vậy mà nguồn mẫu chuẩn ma túy là một trong những khó khăn trong công tác giám định hiện nay.
Ngoài ra, do ma túy mới liên tục được phát hiện nên trong cơ sở dữ liệu tàng thư chất ma túy rất nhiều chất chưa có, chưa được cập nhật, đây không chỉ là khó khăn của nước ta mà còn là khó khăn chung của các nước trong khu vực hay trên thế giới.
Năm 2019 và đầu năm 2020, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã phát hiện ra một số chất ma túy mới như: N-Ethylpentylone, Acetyl-psilocine, Propyphenidate… Hiện các chất ma tuý mới đã được bổ sung vào danh mục các chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam theo Nghị định 60/2020/NĐ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ.
Cũng theo Thượng tá Đặng Văn Đoàn, việc xuất hiện những loại ma túy mới rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác giám định và đấu tranh với loại tội phạm này. Để kiểm soát vấn đề này, cần phải kết hợp nhiều biện pháp. Đầu tiên phải kiểm soát thật tốt nguồn cung ma túy ngay từ cửa khẩu, từ biên giới. Ngoài ra ngay từ trong nội địa cần phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất cũng như các loại thuốc tân dược, thuốc thú y có liên quan tội phạm ma túy.
Đối với công tác giám định cần bổ sung các chất chuẩn ma túy, đây là cơ sở then chốt để giải quyết các vụ án về ma túy khi mà danh mục ma túy cần kiểm soát tại nước ta tăng lên 543 chất. Đối với các chất mới chưa có trong danh mục cần sớm bổ sung vào danh mục chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam. Tiếp tục tuyên truyền về tác hại của ma túy bằng nhiều hình thức phù hợp khác nhau, đặc biệt là các loại ma túy mới (có chứa hỗn hợp rất nhiều chất ma túy khác nhau) đối với người sử dụng vì nó rất độc hại, khi dùng có thể bị ngộ độc, ảnh hưởng đến tính mạng để giáo dục và phòng ngừa chung, đặc biệt là trong giới trẻ.
Theo CAND