Loãng xương – mối đe dọa âm thầm với cộng đồng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với loãng xương – một căn bệnh mạn tính làm suy yếu cấu trúc xương, khiến xương dễ gãy chỉ vì những va chạm nhẹ. Trong số đó, phụ nữ sau mãn kinh là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất do sự suy giảm nội tiết tố estrogen – một chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mật độ xương.
Tại Việt Nam, loãng xương cũng đang trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Hiện có khoảng 3,6 triệu người mắc loãng xương, con số này dự báo sẽ vượt mốc 4,5 triệu vào năm 2030. Đáng lưu ý, 36% người trên 50 tuổimắc bệnh, trong đó phụ nữ chiếm gần 50%.

Loãng xương không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Khoảng 7% người từ 20 đến 50 tuổi cũng đã được chẩn đoán mắc bệnh, cho thấy xu hướng trẻ hóa đang diễn ra nhanh chóng – báo động về nhận thức chưa đúng và lối sống thiếu khoa học của không ít người Việt hiện nay.
Gãy cột sống – biến chứng nặng nề của loãng xương
Gãy xương là biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất của loãng xương, trong đó gãy cột sống là loại chấn thương thường gặp nhất, gây đau đớn, giảm chiều cao, biến dạng cơ thể, suy giảm khả năng vận động và chất lượng sống nghiêm trọng.
“Nhiều người chỉ phát hiện loãng xương khi đã bị gãy cột sống – lúc đó điều trị vừa phức tạp, vừa tốn kém, và khó phục hồi hoàn toàn,” – BS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ trong chương trình “Sức khỏe cho mọi người” vừa được phát sóng trên HTV7.
Trong chương trình, BTV Tuấn Duy đã có cuộc trò chuyện trực tiếp với BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng – Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn giải đáp những thắc mắc thường gặp xoay quanh căn bệnh loãng xương và cách phòng tránh nguy cơ gãy cột sống.

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
MC Tuấn Duy: Thưa bác sĩ, loãng xương là một căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi. Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bác sĩ có thể chia sẻ cho chúng ta biết những nguyên nhân chính gây loãng xương là gì không?
BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng: Loãng xương xảy ra khi xương mất đi các chất quan trọng như canxi và collagen, khiến cấu trúc xương trở nên rỗng xốp, yếu và dễ gãy. Cơ thể chúng ta luôn có hai quá trình song song: “phá” xương cũ và “xây” xương mới. Khi còn trẻ, quá trình xây nhiều hơn phá – giúp xương chắc khỏe. Nhưng khi lớn tuổi, phá lại nhiều hơn xây, xương sẽ loãng dần đi.

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Về nguyên nhân, loãng xương có hai loại chính:
- Loãng xương nguyên phát: Thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh hoặc người lớn tuổi, không rõ nguyên nhân rõ ràng. Đây là loại chiếm tỷ lệ cao nhất.
- Loãng xương thứ phát: Do các bệnh lý nền hoặc thói quen sinh hoạt không lành mạnh gây ra, ví dụ như: dùng thuốc corticoid lâu ngày, ăn uống kém, ít vận động, hút thuốc, nghiện rượu…
MC Tuấn Duy: Vậy bác sĩ có thể nói rõ hơn về loãng xương thứ phát được không? Nghe thì có vẻ nguy hiểm, nhưng bác sĩ lại bảo là có thể kiểm soát và phòng tránh được?
BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng: Đúng vậy. Loãng xương thứ phát thường xuất hiện ở người mắc các bệnh lý nền như đa u tủy xương, suy thận mạn, viêm gan mạn tính, hay người từng phẫu thuật dạ dày gây kém hấp thu. Những trường hợp này nếu khám định kỳ, kiểm soát tốt bệnh nền thì hoàn toàn có thể cải thiện mật độ xương.
Ngoài ra, các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động, ăn uống thiếu dưỡng chất… cũng là thủ phạm âm thầm gây hại xương mỗi ngày. Nhưng tin vui là chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được.

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
MC Tuấn Duy: Thưa bác sĩ, qua những chia sẻ từ bác sĩ và các bệnh nhân, có thể thấy gãy cột sống do loãng xương thật sự rất nguy hiểm. Vậy chúng ta cần làm gì để phòng tránh?
BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng: Tôi hay ví von: loãng xương là gốc rễ, té ngã là thân cành, và gãy xương là phần ngọn. Muốn cây khỏe, phải chăm từ gốc.
Có một thực tế ít người biết: người từng bị gãy cột sống do loãng xương có nguy cơ gãy lại cao hơn 5 lần người bình thường. Vì vậy, phòng ngừa cần thực hiện sớm và toàn diện, trong đó bao gồm:
- Sắp xếp nhà cửa gọn gàng, tránh vướng víu, trơn trượt.
- Lắp tay vịn ở khu vực nguy hiểm như nhà tắm, cầu thang.
- Chiếu sáng đầy đủ, đặc biệt là ban đêm.
- Mang giày dép chống trượt.
- Khám mắt định kỳ, đeo kính khi cần thiết.
- Dùng gậy, khung tập đi khi có dấu hiệu mất thăng bằng.

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Quan trọng nhất vẫn là điều trị loãng xương từ sớm – điều này giống như chăm bón cho gốc cây vậy.
MC Tuấn Duy: Vậy với người đã bị gãy cột sống rồi, khả năng phục hồi có khả quan không, thưa bác sĩ?
BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng: Gãy cột sống do loãng xương có thể được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật can thiệp tùy theo mức độ tổn thương. Tuy nhiên, thời gian hồi phục lâu và chất lượng sống suy giảm đáng kể. Người bệnh có thể bị giảm chiều cao, gù lưng, hoặc mất khả năng vận động độc lập. Chính vì vậy, đừng đợi đến khi gãy mới điều trị – hãy chủ động phòng ngừa ngay từ hôm nay.
MC Tuấn Duy: “Thưa bác sĩ, có một hình ảnh rất ấn tượng trong phần chia sẻ của bác sĩ đó là ví loãng xương như một cái cây – từ gốc đến ngọn. Vậy bác sĩ có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa hình ảnh này, cũng như cách chúng ta có thể chủ động phòng ngừa gãy cột sống do loãng xương từ những việc đơn giản nhất?”

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng: “Dạ đúng rồi. Tôi thường ví bộ xương như một cái cây – muốn cây khỏe thì phải chăm từ gốc.
• Gốc cây, chính là việc phòng ngừa và điều trị loãng xương: ăn uống đầy đủ canxi, vitamin D, tập luyện thường xuyên, khám định kỳ và tuân thủ điều trị nếu đã được chẩn đoán.
• Thân cành, tức là phòng tránh té ngã – nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gãy xương. Cần đảm bảo không gian sống an toàn: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, lắp tay vịn, chiếu sáng đủ, dùng giày chống trượt, khám mắt thường xuyên và dùng gậy hoặc khung tập đi khi cần.
• Và ngọn cây, chính là gãy cột sống – hậu quả nghiêm trọng nhất. Khi đã gãy thì điều trị sẽ rất phức tạp và tốn kém, chưa kể người từng gãy xương có nguy cơ gãy lại cao gấp 5 lần so với người bình thường.
Tôi hay nói vui mà thật: ‘Cái giường đắt nhất chính là giường bệnh.’ Vậy nên, thay vì chờ đến lúc nằm đó mới chữa trị, hãy chủ động chăm sóc xương khớp mỗi ngày – bắt đầu từ những điều tưởng chừng rất đơn giản.”

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
MC Tuấn Duy: Bác sĩ có thể tóm tắt lại những điều quan trọng nhất trong việc phòng ngừa loãng xương cho khán giả?
BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng: Tôi xin chia thành 3 điểm chính:
- Chế độ ăn uống hợp lý: Tăng cường canxi, vitamin D, magie, kẽm… từ sữa, đậu nành, cá nhỏ, rau xanh. Ra nắng sáng sớm 15–30 phút mỗi ngày để cơ thể tổng hợp vitamin D.
- Tập luyện thể dục thường xuyên: Tập các bài tăng sức cơ và giữ thăng bằng như đi bộ, yoga, dưỡng sinh. Không nên ngồi hay nằm lâu.
- Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt là người trên 50 tuổi, phụ nữ sau mãn kinh hoặc người có yếu tố nguy cơ cao. Đo mật độ xương để phát hiện sớm.

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
MC Tuấn Duy: Nếu đã được chẩn đoán loãng xương, người bệnh nên điều trị như thế nào để đạt hiệu quả lâu dài?
BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng: Điều trị loãng xương là một quá trình liên tục và toàn diện. Ngoài việc dùng thuốc đúng theo chỉ định, người bệnh cần:
- Tuân thủ thời gian điều trị – không tự ý ngưng thuốc giữa chừng.
- Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn.
- Hạn chế té ngã: Như tôi đã chia sẻ, gãy lần đầu sẽ dễ gãy lại nếu không thay đổi cách sống.
- Đánh giá định kỳ mật độ xương: Để theo dõi hiệu quả điều trị và điều chỉnh thuốc nếu cần.

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Hãy phòng ngừa từ hôm nay – Đừng đợi tới khi cấp cứu
Loãng xương và gãy cột sống không còn là câu chuyện “riêng của người già” mà đang trở thành vấn đề toàn xã hội. Đừng để đến khi phải cấp cứu mới quan tâm đến sức khỏe xương khớp. Việc phòng ngừa có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ, từ bữa ăn đầy đủ chất, thói quen vận động đều đặn, cho đến việc đi khám sức khỏe định kỳ.

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Chương trình “Sức khỏe cho mọi người” một lần nữa nhấn mạnh: “Đừng đợi tới khi cấp cứu!”
📺 Chương trình do Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình TP.HCM phối hợp cùng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn thực hiện.
🎙 BTV Tuấn Duy
🩺 BS.CKII Nguyễn Quốc Hùng – Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn
⏰ Phát sóng: 10h sáng, ngày 15/07/2025 trên HTV7
Link youtobe: https://youtu.be/Ue0CdkHjHRU