Tạo tổ hợp sản xuất giúp doanh nghiệp có tiền để đầu tư công nghệ
Đây là hình thức liên kết nhằm tận dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp để phát triển thành một nguồn tài chính lớn.
Đó là giải pháp được đại diện ba nhà (nhà quản lý – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học) đề xuất nhằm giải quyết tình trạng thiếu vốn đầu tư khoa học công nghệ ở từng doanh nghiệp tại buổi tọa đàm tháng 9 do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức. Tọa đàm với chủ đề “Công nghệ Robotics trong cách mạng công nghiệp 4.0” và “Ứng dụng IoT, AI cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao” nằm trong chuỗi Sự kiện kết nối sáng tạo năm 2020.
Việc liên kết tạo các tổ hợp sản xuất nhằm giải quyết tình trạng thiếu vốn đầu tư khoa học công nghệ ở từng doanh nghiệp
Đề xuất nói trên xuất phát từ vấn đề cần chuẩn hóa một số tiêu chí thiết kế cơ khí – chế tạo máy của các doanh nghiệp cơ khí, tạo điều kiện xây dựng quy trình hợp tác nghiên cứu giữa doanh nghiệp và trường viện (trường Đại học, Trung tâm – Viện nghiên cứu), giảm bớt tình trạng mỗi nơi một chuẩn do đặc thù làm gia công cho nhiều hãng khác nhau ở nước ngoài.
Theo đó, tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đề nghị Sở KH&CN TP.HCM làm việc với trường viện để dần chuẩn hóa một số tiêu chí thiết kế cơ khí – chế tạo máy, tạo điều kiện xây dựng quy trình hợp tác nghiên cứu giữa doanh nghiệp – doanh nghiệp. Từ đó, có thể tạo thành tổ hợp sản xuất cho một sản phẩm mà không mất quá nhiều thời gian và công sức để tiếp nhận và triển khai công đoạn tiếp theo trong một chu trình sản xuất, hoặc triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ.
Tọa đàm với chủ đề “Công nghệ Robotics trong cách mạng công nghiệp 4.0” và “Ứng dụng IoT, AI cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao” diễn ra tại SIHUB.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng đây là cách để xây dựng và phát triển mô hình liên kết doanh nghiệp thành tổ hợp sản xuất thông qua những tiêu chuẩn chung trong ngành, giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối và đặt hàng cho trường viện. Bên cạnh đó, startup trong lĩnh vực này cũng dễ nắm bắt công nghệ cũng như có hướng phát triển dự án, thông qua các khóa đào tạo do trường viện và cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ phối hợp triển khai.
Qua mô hình liên kết trên, đại diện Sở KH&CN TP.HCM cũng gợi ý các doanh nghiệp cũng hợp sức với nhau để tận dụng nguồn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ vốn ít ỏi ở từng đơn vị, bằng cách cùng chung tay đóng góp quỹ vào một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Trong những năm gần đây, TP.HCM luôn tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường sức mạnh khoa học công nghệ thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất – kinh doanh.
“Nếu doanh nghiệp đầu tư 70% vốn cho nhiệm vụ, nhà nước sẵn sàng hỗ trợ 30% còn lại, và nhà nước sẵn sàng ưu tiên chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho đơn vị chủ trì mà không đòi hỏi vốn sở hữu của nhà nước”, ông Phạm Văn Xu chia sẻ.
TP.HCM cần sớm chuẩn hóa các tiêu chí thiết kế cơ khí – chế tạo máy nhằm thúc đẩy hợp tác nhà quản lý – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học
Vốn dĩ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TP.HCM hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc thiếu vốn đầu tư khoa học và công nghệ, mà nguồn Quỹ thành lập được lại không đủ đáp ứng điều kiện vốn 70%. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang “bó tay” vì vấn đề tiền, dù rất muốn hưởng ưu đãi từ chính sách của nhà nước, rất muốn đầu tư tăng cường khoa học công nghệ để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Để giải quyết bài toán kể trên, theo ông Phạm Văn Xu, nếu doanh nghiệp liên kết được với nhau tạo thành tổ hợp sản xuất để chia nhỏ một nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thì lúc đó vấn đề tập hợp đủ 70% kinh phí đầu tư sẽ không còn phức tạp nữa, và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ ở từng doanh nghiệp cũng được tận dụng. Trong mối liên kết trên, viện trường cũng có phần đóng góp lớn từ sức mạnh nghiên cứu của đội ngũ chuyên gia (giảng viên).
Vì vậy, để thúc đẩy mối liên kết giữa các bên, sớm hình thành các tổ hợp sản xuất, TP.HCM cần sớm chuẩn hóa các tiêu chí thiết kế cơ khí – chế tạo máy. Mặt khác, trường viện cũng cần cởi mở hơn để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai các hợp đồng hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Theo Kỳ Phong (Sở KH&CN TP.HCM)