(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 khoảng 5.000 dự án – Ảnh minh họa |
Chỉ thị nêu rõ, tình hình kinh tế thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tác động đại dịch COVID-19 dự báo còn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập. Yêu cầu đầu tư phát triển, nhất là về kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu… là rất lớn, cấp thiết. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cả trong ngắn hạn và trung, dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nội dung Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng; trong đó các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có nhiều cố gắng, tích cực đóng góp xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, còn một số bộ, cơ quan, địa phương chậm gửi báo cáo, chất lượng chưa cao, chưa thực hiện nghiêm các quy định; phương án phân bổ vốn còn dàn trải, chưa tập trung vào những công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm; số lượng dự án khởi công mới nhiều, trong đó có những dự án dự kiến bố trí chưa đúng quy định…
Để bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, các tổ chức chính trị – xã hội; đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nội dung chủ yếu sau:
Về quan điểm chỉ đạo: Bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, 03 đột phá nêu tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, phương hướng phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua, bảo đảm vì mục tiêu, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, cấp thiết của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; đồng thời quan tâm, chú trọng các dự án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người dân.
Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; từng bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin – cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.
Vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.
Tập trung chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và bảo đảm phối hợp công tác chặt chẽ, kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án
Thủ tướng yêu cầu Kế hoạch đầu tư công trung hạn phải được xây dựng theo phương châm kế thừa, phát huy kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm của giai đoạn 2016 – 2020; khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu chung và quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo nêu trên.
Tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản số 419/TTg-KTTH và số 32/TTg-KTTH ngày 02/4/2021, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thực hiện trình tự lập, thẩm định theo đúng quy định tại Điều 55 Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan; trong đó dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của các địa phương phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến trước khi được tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ở trung ương, đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, phạm vi, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, định hướng, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư, kết quả đầu ra của từng dự án.
Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại và cũng không quá thận trọng, sợ trách nhiệm; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội.
Kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả
Chỉ thị nêu rõ các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần triển khai ngay các nhiệm vụ: Khẩn trương tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức rà soát toàn bộ các dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới, nhất là các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang có nhiều dự án dự kiến khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể lý do và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật. Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình, dự án thực hiện 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn phải bảo đảm đúng quy định, không vượt quá 20% tổng số vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công. Mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 – 2025 là khoảng 5.000 dự án.
Chủ động sử dụng vốn ngân sách trung ương được thông báo (không bao gồm số vốn thu hồi ứng trước, dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển được thông báo tại văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021) để bố trí thu hồi vốn ứng trước của danh mục dự án chưa được tổng hợp, báo cáo trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020 và không được cấp có thẩm quyền cho phép hoãn thu hồi vốn ứng trước (nếu có).
Bố trí vốn ngân sách trung ương tối thiểu bằng mức vốn được thông báo tại văn bản số 419/TTg-KTTH đối với các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển; trường hợp bố trí vốn thấp hơn, phần chênh lệch nộp trả về ngân sách trung ương; bố trí ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng và phần còn thiếu so với tổng mức đầu tư được duyệt để hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.
Chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới để tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, thủ tục phê duyệt Quyết định đầu tư, dự toán, thiết kế… của các dự án trọng điểm, dự án có tính liên kết vùng, đường ven biển, hạ tầng giao thông, năng lượng… để có thể triển khai được ngay sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được thông qua.
Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách cần bổ sung, sửa đổi để bảo đảm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 5.000 dự án
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; hướng dẫn, xử lý các tình huống phát sinh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định; trong đó khẩn trương tập trung hướng dẫn, đôn đốc, trao đổi trực tiếp về việc rà soát, cắt giảm các dự án, nhất là các dự án khởi công mới, các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả. Trường hợp phương án phân bổ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau rà soát còn dàn trải, không tập trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, trao đổi với từng bộ, cơ quan, địa phương, tiếp tục cắt giảm, lựa chọn những dự án thực sự cần thiết, hiệu quả, cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước là khoảng 5.000 dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, phê bình các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định, xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:Tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh quy định pháp luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng và kỷ luật kịp thời, nghiêm minh.
Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, nguyên tắc, định mức hỗ trợ vốn, đối tượng và loại hình các chương trình, dự án do địa phương quản lý được hỗ trợ vốn ngân sách trung ương làm căn cứ triển khai, thực hiện. Đối với vốn ngân sách địa phương cho đầu tư công, đề xuất cơ chế, chính sách, quy định để kiểm soát chặt chẽ, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc huy động, quản lý, sử dụng vốn vay. Thành lập các Đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên tinh thần đầu tư công trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao chủ động nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến quản lý, đầu tư, xây dựng công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; ban hành quy định về định mức kinh tế, kỹ thuật, suất đầu tư… đối với dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng; đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật theo hướng phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động đi kèm với các biện pháp giám sát, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ở trung ương, đề nghị các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy và yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chỉ đạo, quán triệt, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, hiệu quả, tiến độ của việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công; cập nhật trên Hệ thống thông tin quản lý đầu tư công quốc gia, gửi Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 25/5/2021.Khánh Linh