Nhằm tôn vinh đạo nghiệp và tinh thần phụng sự của chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam trên hai giềng mối đạo pháp và dân tộc, chiều ngày 13/4/2024 (nhằm ngày 5/ 3/Giáp Thìn), Tọa đàm khoa học với chủ đề: Ni giới Phật giáo thành phố Cần Thơ “Ni lưu Giới đức, Tâm đức, Tuệ đức” đã diễn ra tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (TP. Cần Thơ). Hoạt động được coi là một trong những sự kiện quan trọng của Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam.
Quang lâm chứng minh và tham dự Tọa đàm có: Đức Trưởng lão HT. Thích Đào Như – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN TP. Cần Thơ; TT. Thích Bình Tâm – UVTT HĐTS, Phó trưởng ban TT BTS PG Thành phố; HT. Thích Thiện Huệ, Phó Trưởng ban Ban Trị sự, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP. Cần Thơ.
Về phía chư Tôn đức Ni có sự hiện diện của quý Ni trưởng Chứng minh, Cố vấn, Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương (PBNGTW): NT. TN. Thích Đàm Nghiêm, NT. TN. Huệ Hương, NT. TN. Như Xuân, NT. TN. Tố Liên, NT. TN. Như Cương, NT. TN. Diệu Ngộ, NT. TN. Như Đức, NT. TN. Nhật Khương, NT. TN. Như Như, NT. TN. Đàm Lan, NT. TN. Đàm Khoa, NT. TN. Như Minh, NT. TN. Đàm Thành, NT. TN. Từ Nhẫn, NT. TN. Như Lộc, NT. TN. Như Huệ, NT. TN. Như Thảo, NT. TN. Như Minh, NT. TN. Như Tâm; cùng quý chư Tôn đức PBNG TP. Cần Thơ, PBNG các tỉnh thành. Tọa đàm cũng hân hoan chào đón sự quan tâm, hiện diện của chư vị Đại biểu, chư vị nhân sĩ trí thức, quý báo đài, mạnh thường quân, tình nguyện viên và các đạo tràng Phật tử.
Sau lời chào đón đầy đạo tình và chúc nguyện tốt lành của Hòa thượng trưởng BTS dành cho Tọa đàm khoa học, Ni sư Thích Nữ Như Nguyệt (HL – Phó Trưởng PBNGTW) đại diện Ban tổ chức và chủ Tọa đàm báo cáo đề dẫn khoa học cho kỷ yếu “Ni giới Phật giáo Thành phố Cần Thơ: Ni lưu giới đức – Tâm đức, -Tuệ đức”. Đầu sách được làm nên từ52 tham luận do sự đóng góp của chư Tôn đức Ni, các nhà nghiên cứu, học giả trên khắp mọi miền đất nước. Nội dung các tham luận rất phong phú, đa dạng, gắn với quá trình hình thành và phát triển của Ni giới Cần Thơ. Tác phẩm xoay quanh 4 chủ đề chính: Ni giới Việt Nam trên hành trình lịch sử; Ni giới Cần Thơ vươn mình cùng Giới Đức, Tâm Đức, Tuệ Đức; Giới luật: Khuôn vàng thước ngọc của Ni lưu; và Ni giới với sự phát triển của Phật giáo.
Trong buổi tọa đàm, ban tổ chức tuyển chọn 15 tham luận để báo cáo thông qua 2 phiên thảo luận, bắt đầu từ 13h30 – 17h00 với sự điều phối của 9 vị Chủ tọa và 4 Thư ký Tọa đàm.
Tại phiên Thảo luận đầu tiên, chư Tôn đức và quý học giả đã khái quát được hành trạng, đạo nghiệp, tinh thần phụng sự, kể cả những bài học kinh nghiệm quý báu của chư Ni tiền bối. Đồng thời, quan tâm đến tinh thần tiếp nối, kế thừa của chư Ni đương đại. Tất cả đều là những tấm gương giới đức, tâm đức, tuệ đức sáng ngời để Ni chúng hậu học noi theo.
Tại phiên Thảo luận thứ 2, các tham luận tiếp tục ghi nhận đóng góp của Ni giới Việt Nam nói chung và Ni giới Cần Thơ nói riêng trên các phương diện hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội … Tọa đàm ghi nhận nhiều thành tựu của Ni giới, song cũng bày tỏ không ít trăn trở, ưu tư của chư Ni trước những bước tiến, thách thức của sự hội nhập và phát triển Phật giáo.
Trên tinh thần kết nối, chia sẻ, cả hai phiên Thảo luận đều nhận được sự tương tác trực tiếp, đóng góp, gợi ý cho kinh nghiệm hoằng pháp thực tế của chư Tôn đức Ni nơi địa phương mình. Sau đó, Ni trưởng Huệ Hương (Chứng minh PBNGTW) đã đúc kết buổi tọa đàm. Ni trưởng đã bày tỏ sự quan tâm đến đời sống tu học của chư Ni, nhất là việc gìn giữ Giới luật, đức hạnh và giáo dục Ni giới.
Trải qua gần 4h đồng hồ, Tọa đàm đã nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết, sâu sắc của chư Tôn đức Ni các tỉnh thành và sự trao đổi tích cực, thẳng thắn, cởi mở, đầy tính học thuật của các nhà nghiên cứu. Có thể thấy, nội dung các tham luận rất phong phú, đề cập đến những vấn đề chung của Ni giới Việt Nam cũng như vấn đề riêng của Ni giới Cần Thơ trong hành trình hoàn thiện Giới Đức – Tâm Đức – Tuệ Đức. Các tác giả tập trung khám phá, trình bày và đánh giá những đóng góp của chư Ni Cần Thơ và chư Ni Việt Nam trên cả 2 phương diện lý thuyết và thực tiễn. Từ đó làm sáng tỏ và tôn vinh những đóng góp lớn lao mà thầm lặng, ít biết đến của Ni giới Cần Thơ. Đồng thời, tiếp tục đưa ra kiến nghị, phát huy vai trò của Ni giới Việt Nam và chư Ni Cần Thơ trong thời đại mới.
Tiểu ban Thông tin Truyền thông Đại lễ