Phó bí thư Thường trực Phan Văn Mãi nhận định với tình hình hiện nay, TP.HCM có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1-2 tuần.
Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 28/7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ với báo chí về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 mà TP.HCM đang tập trung tiến hành.
Huy động bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19
Ông Mãi cho biết vừa qua, thành phố đã triển khai mạng lưới tư vấn trực tuyến của cộng đồng giáo sư, bác sĩ trên cả nước. Mỗi giáo sư, bác sĩ sẽ phụ trách một số lượng F0 nhất định và giữ liên lạc hàng ngày để tư vấn, thăm hỏi, xử lý tình huống y tế khi có yêu cầu.
Mục tiêu là đảm bảo F0 dù ở nhà hay cơ sở thu dung đều được tư vấn trực tuyến hướng dẫn chăm sóc sức khỏe. Thành phố cũng tăng cường thông tin, tờ rơi, các loại thuốc tăng thể trạng và đề kháng cho F0.
70-80% F0 có triệu chứng nhẹ và có thể tự chăm sóc, tuy nhiên, 20-30% cần can thiệp chăm sóc y tế. Trong trường hợp trở nặng thì cần có cơ sở điều trị chuyên sâu.
Về phương án, ông Phan Văn Mãi cho biết TP đang rà soát các bệnh viện tại địa phương để tách đôi theo hướng một phần hoạt động thông thường, một phần thăm khám, điều trị bệnh nhân Covid-19. Phó bí thư Thành ủy nhận định thời gian qua, công tác này triển khai chưa đồng đều, TP đang tăng cường trang thiết bị, nhân lực phụ trách.TP.HCM đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gần 3 tuần. Ảnh: Quỳnh Danh.
TP.HCM đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gần 3 tuần. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mục tiêu của thành phố là chia áp lực giữa các bệnh viện và tạo thuận tiện hơn trong tiếp cận y tế ban đầu của bệnh nhân. Ngoài ra, UBND TP.HCM và ngành y tế có chủ trương huy động bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thành phố đang lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến tham gia khối điều trị ở tầng 3, 4 và liên thông các tầng để kịp thời trao đổi bệnh nhân giữa các tầng. Riêng với tầng 5, bệnh viện Covid-19 1.000 giường, TP đang tăng cường trang thiết bị và nhân lực để hoàn thiện.
Trả lời câu hỏi của Zing về phương án sau ngày 1/8, Phó bí thư Phan Văn Mãi cho biết: “Thành phố có thể cần áp dụng giãn cách xã hội thêm 1-2 tuần nữa”.
Ông chia sẻ tình hình thay đổi từng ngày nên trước 1/8, thành phố sẽ đánh giá để đưa ra quyết định.
Quan trọng nhất là điều trị
Phó bí thư Thường trực TP.HCM nhận định thời gian qua, người dân thực hiện tốt yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h. Tuy nhiên, từ 6h đến 18h, số người ra đường vẫn đông đúc, lượng tiếp xúc nhiều. Phó bí thư Thành ủy nhận thấy cần hạn chế tình trạng này.
Ban chỉ đạo các cấp và lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý vi phạm. Thành phố cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị chưa làm tốt. Phó bí thư Phan Văn Mãi khẳng định sẽ kiểm tra từ quận, huyện đến cơ sở để tiếp tục uốn nắn, xử lý với mong muốn chủ trương này được thực hiện nghiêm, hạn chế sự tiếp xúc nhằm cắt nguồn lây nhiễm.Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thu Hằng.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông Mãi bày tỏ mong muốn người dân đồng lòng, nghiêm túc thực hiện và tự giám sát trong cộng đồng để phản ánh các trường hợp chưa tuân thủ quy định.
“Ý thức của người dân là phòng tuyến đầu tiên và quan trọng nhất, không thể thay thế”, Phó bí thư TP.HCM nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM khẳng định nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất hiện nay là điều trị. Hiện, khu cách ly tập trung của thành phố đã quá tải. Số ca nhiễm trên 70.000 nên phải chuyển hướng chiến lược sang điều trị cho các trường hợp có triệu chứng nặng gắn với bệnh nền.
Một biện pháp để giảm tải áp lực lên cơ sở thu dung và điều trị là việc cách ly F0 tại nhà với yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hạn chế tiếp xúc và xử lý nhanh khi có tình huống cấp cứu, đồng bộ với giám sát y tế.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 28/7, TP.HCM ghi nhận 74.855 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.
Theo Zingnew