VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra hai tháng cuối năm tiếp tục giảm, tuy nhiên không vượt quá 10% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của tình hình xuất khẩu nên giá cá tra nguyên liệu trong thời gian tới khó có thể tăng cao.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 8/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đã 6 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm sút, trong đó, tại một số thị trường xuất khẩu lớn (đặc biệt là Mỹ) giảm mạnh.
8 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt 389,8 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đáng lưu ý là, tháng 8/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 69,8 triệu USD, chiếm đến 40,6% tổng giá trị xuất khẩu và tăng 63,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 8 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu đa dạng nhóm sản phẩm cá tra sang thị trường Trung Quốc như: cá tra phile đông lạnh (HS 030462); cá tra nguyên con xẻ bướm tẩm muối đông lạnh (HS 030564), bong bóng cá tra sấy (HS 030572); bong bóng cá tra đông lạnh (HS 030399); cá tra cắt khoanh đông lạnh (HS 030324); cá tra nguyên con đông lạnh (HS 030324); bao tử cá tra đông lạnh (HS 030399)… Cho đến thời điểm này, Trung Quốc – Hồng Kông vẫn tiếp tục là “tâm điểm” của nhiều các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Tại thị trường Mỹ, tính đến hết tháng 8/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 187,9 triệu USD, Mỹ trở lại vị trí là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, do giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm liên tiếp kể từ tháng 3 năm nay nên tổng giá trị xuất khẩu cá tra của 8 tháng đầu năm vẫn giảm 41,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ và nhiều nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam hi vọng sẽ gia tăng cơ hội tại thị trường này. Tuy nhiên, trái với dự đoán, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giảm do rào cản thương mại và kỹ thuật vẫn ngăn cản tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này.
Tính đến hết tháng 8/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 174,3 triệu USD, tăng 8,8% so với năm trước. Trong đó, 4 thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan giảm 8,3%; Anh tăng 28,9%; Đức tăng 33,3% và Bỉ tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. So với hai quý đầu năm, bắt đầu từ tháng 5/2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tại một số thị trường lớn tại EU đã chậm lại. Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn duy trì sản phẩm cá tra giá trị gia tăng và organic sang Hà Lan, Đức. Đây là những sản phẩm có giá nhập khẩu trung bình cao hơn so với sản phẩm cá tra phile đông lạnh truyền thống.
Ngoài 3 thị trường xuất khẩu lớn Trung Quốc, Mỹ và EU thì giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường tiềm năng khác cũng đang đạt mức tăng trưởng khá như: ASEAN, Mexico và Nhật Bản. Ngược lại, xuất khẩu cá tra sang Brazil, Colombia và khối thị trường Trung Đông lại có dấu hiệu giảm và hoặc chững lại. Mặc dù, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này đóng góp tỷ lệ nhỏ trong tổng cơ cấu xuất khẩu cá tra nhưng sự sụt giảm kéo dài cũng ảnh hưởng tới kim ngạch chung và khó bù đắp lại sự thiếu hụt ở một số thị trường lớn.
VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra hai tháng cuối năm tiếp tục giảm, tuy nhiên không vượt quá 10% so với cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của tình hình xuất khẩu nên giá cá tra nguyên liệu trong thời gian tới khó có thể tăng cao.
Cá tra rớt giá, người nuôi lỗ nặng
Quỳnh Anh
Theo Nhịp sống kinh tế