Năm 2017, Hui Ka Yan từng là tỷ phú giàu nhất châu Á với tài sản trị giá 32 tỷ USD.
Donald Trump từng tự gọi mình là “vua nợ” nhưng theo Bloomberg, ông trùm bất động sản giàu nhất thế giới Hui Ka Yan mới xứng đáng với danh xưng đó. Tài sản trị giá hàng chục tỷ USD của ông được gây dựng trên một khối nợ doanh nghiệp khổng lồ và điều đó được ví như “cưỡi trên lưng hổ”. Người ta bắt đầu lo ngại rằng Tập đoàn Evergrande do Yan đồng sáng lập và hiện giữ chức Chủ tịch đã vay quá nhiều tiền. Thậm chí nếu nó sụp đổ, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ.
Có thể nói, Yan là một doanh nhân nắm bắt tốt xu hướng gần đây trong kinh doanh. Thập kỷ qua, khối nợ doanh nghiệp toàn cầu đã tăng 26% lên 132.000 tỷ USD do các công ty tận dụng thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục để phục vụ tăng trưởng. Evergrande cùng không ít doanh nghiệp trên thế giới đã dùng tiền đi vay để mua lại cổ phiếu.
Tỷ phú bất động sản Hui Ka Yan.
Yan (60 tuổi) trông khá trẻ trung so với tuổi thật của mình. Trước khi trở nên giàu có nhờ Evergrande, ông đã trải qua một tuổi thơ cơ cực. Ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nam, Trung Quốc, mồ côi mẹ năm mới lên 1 tuổi và cha của ông là một nhân viên kho hàng có thu nhập ít ỏi.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Yan nghỉ học ở nhà làm nông. 2 năm sau, tuy trượt đại học nhưng ông vẫn quyết tâm thi lại và đỗ vào Học viện Gang thép Vũ Hán. Thời điểm đó, tưởng chừng ông sẽ gắn bó sự nghiệp cả đời với một công ty thép của nhà nước.
Thế nhưng năm 1992, sau 10 năm cống hiến cho công ty, ông đã bỏ việc để thử vận may tại đặc khu kinh tế mới ở Thâm Quyến với khao khát làm giàu mãnh liệt. Ông gia nhập một công ty kinh doanh bất động sản và 4 năm sau, ông cùng một vài người bạn thành lập Tập đoàn bất động sản Evergrande có trụ sở chính tại Thâm Quyến để khai thác nhu cầu mua nhà cực kỳ lớn của người dân Trung Quốc thời bấy giờ.
Năm 2009, Evergrande IPO ở Hong Kong và nhanh chóng trở thành doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc. Theo Forbes, năm 2017, Evergrande có gần 600 dự án tại 200 thành phố ở Trung Quốc. Với lợi nhuận tăng vọt, cổ phiếu của công ty đã tăng đột biến ở mức 469%, thêm hơn 32 tỷ USD vào tài sản của Yan và giúp ông trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và châu Á thời điểm đó.
Nói về thành công của bản thân, vị tỷ phú từng chia sẻ rằng ông sẽ không thành công như bây giờ nếu không có vợ mình, bà Ding Yame. Ông giãi bày: “Nếu không có sự hiểu biết và kiên nhẫn của cô ấy, tôi sẽ không có ngày hôm nay”.
2 năm qua, cổ phiếu của Evergrande – nguồn tài sản chính của Yan, đã tăng hơn 200% khi công ty này mua lại hàng triệu cổ phiếu và chia 2,2 tỷ USD cổ tức cuối năm ngoái.
Một tòa văn phòng của Evergrande.
Hiện tại, tài sản của Yan đã giảm xuống còn 24 tỷ USD, theo Bloomberg, tuy nhiên ông vẫn là tỷ phú bất động sản giàu nhất thế giới. Dù vậy, dường như ông đang có rất nhiều điều phải quan tâm, đặc biệt là về khoản nợ khổng lồ của doanh nghiệp. Khi thị trường bất động sản Trung Quốc nguội dần, rủi ro của Evergrande ngày càng tăng và công ty này thậm chí có thể bị “nghiền nát” bởi các khoản nợ không thể kiểm soát được.
Bloomberg cho biết nợ ròng của tập đoàn đã tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua và tỷ lệ đòn bẩy tài chính cũng cao gấp đôi trung bình ngành. Evergrande đang nợ hơn 100 tỷ USD và nỗ lực để thu hẹp những khoản vay đó của công ty đang bị đình trệ. Bloomberg cho rằng nếu nền kinh tế lớn nhất châu Á tiếp tục giảm tốc hoặc thị trường tín dụng bị thắt chặt hơn thì việc vay nợ để mở rộng kinh doanh có thể giáng cho Evergrande một đòn đau.
Không những vậy, vài năm trở lại đây, Yan đã “đốt” quá nhiều tiền với tham vọng lấn sân sang nhiều mảng kinh doanh khác như bệnh viện, trí tuệ nhân tạo và cả bóng đá. Evergrande thậm chí còn muốn vượt mặt Tesla để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới trong vòng từ 3 đến 5 năm và bán được 5 triệu xe trong vòng 10 năm tới bằng việc đầu tư hàng tỷ USD vào sản xuất.
Ngày 25/9 vừa qua, Yan thông báo Evergrande đã đạt được thỏa thuận với 5 công ty ô tô toàn cầu để cùng phát triển 15 mẫu xe mới, từ hạng sang đến dòng xe cỡ trung và nhỏ gọn.
Ngoài thành đạt trong kinh doanh, Yan còn làm từ thiện rất hào phóng. Ông đã quyên góp nhiều tiền cho lĩnh vực giáo dục, xóa đói giảm nghèo và khắc phục thiên tai. Ước tính, đến nay, tỷ phú bất động sản đã bỏ ra 130 triệu USD cho các hoạt động từ thiện.Masayoshi Son – tỷ phú đứng sau loạt thương vụ startup công nghệ đình đám cũng nhiều lần lao đao vì những khoản đầu tư tỷ đô thất bại: “Liều” có phải lúc nào cũng “ăn nhiều”?
Theo Gia Vũ
Trí Thức Trẻ/Tổng hợp