Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch hoặc các sản phẩm khác của cây (mã HS 20) của Việt Nam tăng trong tổng nhập khẩu của Hà Lan.
Cụ thể, xuất khẩu hàng rau quả tháng 11/2020 đạt 280 triệu USD, tăng 15,7% so với tháng 10/2020, nhưng giảm 6,7% so với tháng 11/2019. Trong 11 tháng năm 2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 1,2% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu thanh long giảm mạnh đã ảnh hưởng tới toàn ngành hàng rau quả xuất khẩu. |
Quả là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu hàng rau quả trong tháng 10 và 10 tháng năm 2020. Trong đó, quả thanh long là chủng loại xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của chủng loại quả nói riêng và hàng rau quả nói chung. Tỷ trọng xuất khẩu quả thanh long trong 10 tháng năm 2020 chiếm 51,9% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại quả, chiếm 35,2% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Trị giá xuất khẩu quả thanh long trong tháng 10/2020 đạt 69,2 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 10/2019. Trong 10 tháng năm 2020, xuất khẩu quả thanh long đạt 961,4 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu thanh long giảm mạnh đã ảnh hưởng tới toàn ngành hàng rau quả xuất khẩu.
Sản phẩm chế biến là chủng loại tăng trưởng liên tục, bất chấp đại dịch Covid-19, nhưng tỷ trọng xuất khẩu chủng loại này vẫn còn thấp trong cơ cấu hàng rau quả, nên mức tăng không bù đắp được mức giảm của các chủng loại khác, đặc biệt là chủng loại quả. Xuất khẩu hàng rau quả trong tháng cuối năm 2020 và tháng đầu năm 2021 có nhiều triển vọng tăng trưởng nhờ nhu cầu tăng từ thị trường Trung Quốc do nhu cầu tại Trung Quốc tăng thời điểm mùa lễ hội và dịp Tết Nguyên đán đang tới gần.
Về thị trường xuất khẩu, Cục Xuất Nhập khẩu dẫn số liệu thống kê mới nhất từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho hay, nhập khẩu các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch hoặc các sản phẩm khác của cây (mã HS 20) của Hà Lan trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1,8 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, giảm 4,8% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân mã HS 20 đạt 1.265,0 USD/tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Hà Lan nhập khẩu mã HS 20 nhiều nhất từ ba thị trường là Brazil, Bỉ và Đức trong 8 tháng đầu năm 2020, lượng nhập khẩu từ ba thị trường này chiếm tới 48,1% tổng lượng nhập khẩu mã HS 20. Trong đó, Hà Lan tăng tỷ trọng nhập khẩu từ Brazil và giảm tỷ trọng nhập khẩu từ Bỉ và Đức.
Việt Nam là thị trường cung cấp mã HS 20 lớn thứ 28 cho Hà Lan, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng từ Việt Nam rất mạnh, đạt 8,8 nghìn tấn, trị giá 28,2 triệu USD, tăng 41,9% về lượng và tăng 43,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Hà Lan được coi là cửa ngõ trung chuyển rau, củ, quả vào thị trường EU. Đây cũng là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam trong EU. Hiện hơn 20% rau quả tươi do các nước đang phát triển cung cấp cho châu Âu vào EU thông qua Hà Lan. Từ cảng Rotterdam, điểm nhập khẩu chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến nhiều nước châu Âu khác. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại thị trường EU, các sản phẩm rau củ quả chế biến sẽ được người tiêu dùng tại EU ưa chuộng và đây là cơ hội để ngành rau quả của Việt Nam chuyển dịch sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguyễn Hạnh/https://congthuong.vn/