Theo Phó chủ tịch S&P Global, ông Putin đã tính toán sai khi cho rằng việc phụ thuộc năng lượng Nga sẽ ngăn các chính phủ châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay.
Trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, ông Daniel Yergin – Phó chủ tịch S&P Global, phụ trách mảng năng lượng – cho rằng Tổng thống Nga Putin đã “hủy hoại những gì ông gây dựng cho nền kinh tế Nga suốt 22 năm qua”.
“Hầu như không ai có thể tưởng tượng được quy mô của các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga”, ông Yergin bình luận.
“Đó là sai lầm lớn của Putin. Ông cho rằng châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga và điều này sẽ ngăn các chính phủ châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay”, vị chuyên gia giải thích.
Cuộc chiến ở Ukraine có thể hủy hoại những gì ông Putin đã gây dựng cho nền kinh tế Nga 22 năm qua. Ảnh: Reuters. |
Trừng phạt quy mô lớn
Theo phó chủ tịch S&P Global, một trong những mục tiêu chính của ông Putin là chia rẽ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược.
Đức đã thay đổi 180 độ. Sau loạt động thái của Nga với Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đình chỉ quá trình cấp giấy chứng nhận đường ống Nord Stream 2. Đường ống này được thiết kế để đưa khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Nga vào châu Âu.
Nga xuất khẩu 7,5 triệu thùng dầu/ngày, khoảng một nửa trong số đó được nhập khẩu vào các nước NATO. Những lệnh trừng phạt đã khiến vài triệu thùng dầu Nga bị loại bỏ khỏi thị trường.
Ban đầu, các lệnh trừng phạt từ phương Tây – bao gồm Mỹ – không nhắm vào dầu và khí đốt Nga. Nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi xướng với lệnh cấm nhập khẩu dầu và các nhiên liệu khác của Nga.
Anh cũng cho biết sẽ lên kế hoạch loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) bị đẩy vào thế khó. Bởi họ phụ thuộc vào dầu Nga hơn.
Đức đã đình chỉ quá trình cấp giấy chứng nhận đường ống Nord Stream 2. Ảnh: Reuters. |
Trên thực tế, hầu như mọi nhà giao dịch đều né tránh dầu Nga. Bởi có quá nhiều bất ổn xoay quanh loại hàng hóa này. Những lệnh trừng phạt nhắm vào các ngân hàng Nga có thể cản trở giao dịch. Nhiều tàu chở dầu Nga ở Biển Đen không thể dỡ hàng, bởi khách hàng không dám mua dầu Nga.
“Dòng chảy dầu mỏ của Nga sẽ bị gián đoạn trong thời gian tới”, ông Yergin cảnh báo. “Không chỉ các công ty dầu mỏ gặp rắc rối. Những doanh nghiệp khác của Nga cũng rơi vào thế khó. Về cơ bản, Nga đã bị mất kết nối với nền kinh tế thế giới”, vị chuyên gia nhận xét.
Nguồn cung dầu từ các nước Vịnh Ba Tư có thể thay thế dầu Nga. Những quốc gia này có khả năng cung cấp cho thị trường 2 triệu thùng dầu/ngày.
Thứ hai, theo ông Yergin, nếu Mỹ đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran, thị trường sẽ có thêm 1 triệu thùng dầu/ngày. Cùng với đó là việc xả kho dầu dự trữ chiến lược, vốn được dùng để đối phó với tình trạng gián đoạn.
“Chúng ta cũng sẽ chứng kiến năng lực sản xuất của Mỹ tăng đáng kể. Sản lượng trong năm nay có thể tăng thêm 900.000-1 triệu thùng/ngày”, ông Yergin dự báo.
Ngoài ra, sản lượng dầu tại các quốc gia như Canada, Brazil và Guyana cũng sẽ tăng cao, dù không nhiều.
Ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ
Đá phiến của Mỹ cũng có thể cạnh tranh với dầu Nga. “Đá phiến giúp Washington trở nên linh hoạt hơn trong các vấn đề của thế giới. Mỹ sẽ không thể có điều này nếu nhập khẩu 60% lượng dầu tiêu thụ”, ông Yergin giải thích.
“Hãy tưởng tượng chúng ta không có cuộc cách mạng đá phiến, không có LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và Mỹ không thể tự sản xuất dầu, thế giới chắc chắn sẽ không giống hiện tại”, vị chuyên gia nhận xét.
Trở lại cuộc khủng hoảng những năm 1970, các nước công nghiệp trên thế giới điên cuồng tranh giành nguồn cung dầu. Nhưng giờ, Mỹ không còn phải cạnh tranh với Nhật Bản hay Tây Âu.
Tổng thống Putin cho rằng châu Âu phụ thuộc vào năng lượng của Nga và điều này sẽ ngăn các chính phủ châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay
Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch S&P Global
Nhưng câu hỏi đặt ra là các chính sách về môi trường của Washington có cản trở ngành công nghiệp đá phiến hay không.
“Trước đây, chính quyền Tổng thống Biden không dành sự chú ý cho ngành công nghiệp dầu mỏ. Nhưng tình thế đã thay đổi vào tháng 11/2021”, ông Yergin bình luận.
“Vào cuối năm, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ đã khuyến khích đẩy mạnh sản xuất. Nhưng vào thời điểm đó, trọng tâm lớn vẫn là khí hậu”, ông nói thêm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Washington nhận thức được rằng dầu khí vẫn rất quan trọng về mặt chiến lược và chính trị.
Chẳng hạn, kế hoạch mở rộng cơ sở hạ tầng của nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng Mỹ Freeport LNG đã bị đình trệ trong những năm gần đây. Nguyên nhân là khó khăn trong việc xin giấy phép của chính phủ Mỹ và giá khí đốt thấp.
Tuy nhiên, theo ông Michael Smith – người sở hữu khoảng 63% cổ phần của công ty, cuộc chiến ở Ukraine có thể đẩy nhanh các kế hoạch của công ty. Bởi giới chức Mỹ sẽ cân nhắc lại về việc tăng sản lượng. “Hy vọng tình hình sẽ thay đổi”, ông bình luận.
Khi giá dầu tăng vọt, Freeport LNG nằm trong số các tập đoàn hưởng lợi lớn. Công ty của ông Michael Smith sẽ kiếm lời hơn nữa nếu châu Âu – hiện nhập khẩu khoảng 40% khí đốt tự nhiên từ Nga – chuyển sang nguồn cung Mỹ.
Giá LNG – loại khí được làm lạnh thành dạng lỏng để lưu trữ hoặc vận chuyển dễ dàng và an toàn – đã tăng mạnh.
“Ván cược của ông Smith vào ngành công nghiệp khí đốt Mỹ đã được đền đáp. Họ có nhiều lựa chọn để tăng trưởng hơn nữa”, nhà phân tích Talon Custer của Bloomberg Intelligence nhận định.
Theo Zing