Theo hãng tin AP, ngày 4-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden tới bang Georgia để tham gia vận động cử tri trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại bang này vào ngày 5-1. Lúc này, chính trường Mỹ đang dậy sóng với kế hoạch đảo ngược kết quả bầu cử trước thời điểm Quốc hội Mỹ đếm phiếu đại cử tri, xác nhận kết quả bầu cử.
Hạ viện mới của Mỹ họp phiên đầu tiên
Nỗ lực cuối cùng
Việc cùng chọn một mốc thời gian để đến bang Georgia cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden đang thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm giành sự ủng hộ của cử tri để mang lại lợi thế cho các đồng minh trong cuộc bầu cử Thượng viện bổ sung tại Georgia. Kết quả ở bang này quyết định đảng nào sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện. Theo giới quan sát, chuyến đi của ông Donald Trump giống như một ván cược, mang tính rủi ro cao nhưng cũng sẽ tạo đòn bẩy lớn cho các ứng cử viên Cộng hòa tại bang Georgia.
Các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, các ứng cử viên đảng Cộng hòa vẫn là những người nhận được sự ủng hộ nhiều hơn tại bang Georgia. Đảng Cộng hòa cần phải có ít nhất 1 ghế để đảm bảo thế đa số tại Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ cần cả 2 ứng viên thắng để có thể cân bằng tỷ lệ 50-50 ở Thượng viện. Sau đó, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ là người có lá phiếu quyết định trong trường hợp bỏ phiếu cho kết quả hòa. Nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện thì điều này sẽ mang lại cho chính phủ mới của ông Joe Biden nhiều lợi thế hơn trong việc xây dựng và thực thi các chương trình nghị sự.
Trong khi đó, Hạ viện mới của Mỹ đã triệu tập vào trưa 3-1 (giờ địa phương). Toàn thể Hạ viện đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch mới. Theo Reuters, bà Nancy Pelosi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện nhiệm kỳ thứ 4, với số phiếu sít sao 216-209. Tại Hạ viện, đảng Dân chủ đang giành quyền kiểm soát. Tại Thượng viện, cán cân quyền lực vẫn chưa được quyết vì còn tùy thuộc vào cuộc bầu cử ở Georgia.
Khoét sâu chia rẽ
Ngày 6-1 được xem là dấu mốc quyết định cuối cùng cho vị trí chủ nhân mới của Nhà Trắng. Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức phiên họp chung để xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trước Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, những nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của một số thành viên trong đảng Cộng hòa lại một lần nữa khoét sâu những chia rẽ gay gắt đang diễn ra trong chính trường Mỹ. Động thái này cũng khiến nảy sinh nhiều bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa khi mà ngay sau đó, một số thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã cùng bắt tay với các nghị sĩ đảng Dân chủ để ra tuyên bố chung kêu gọi Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3-11-2020 với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden. Mặc dù những nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử được dự báo sẽ không thành công, nhưng tất cả những thách thức này có thể làm chậm quá trình xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden và tạo cơ hội cho các đồng minh của ông Donald Trump thể hiện lòng trung thành với tổng thống sắp mãn nhiệm.
Lo ngại về những biến động an ninh sẽ diễn ra sau khi kết quả xác nhận bầu cử được công bố, một số lãnh đạo của Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo quân đội Mỹ không nên tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực, đồng thời kiềm chế mọi hành động chính trị làm suy yếu kết quả của cuộc bầu cử hoặc cản trở sự thành công của chính phủ mới. Dự kiến, trong ngày 5 và 6-1 sẽ có các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tại thủ đô Washington. Hiện chính quyền Washington đang thắt chặt an ninh tại các khu vực được xác định là điểm nóng.
Năm 2020 vừa qua là năm ghi dấu cường quốc hàng đầu thế giới này phải đối mặt với những khó khăn và thách thức chưa từng có khi cùng lúc xảy ra 3 cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế và sắc tộc. Đến năm 2021, sự phân cực sau cuộc bầu cử ngày càng gay gắt. Vì thế, việc hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ để đối phó với thách thức, trở thành trọng trách nặng nề của vị tổng thống thứ 46 sẽ nhậm chức ngày 20-1 tới. Điều quan trọng hàng đầu đối với người dân nước này hiện nay là cần có một nhân tố giữ ổn định và đưa nước Mỹ trở lại với những giá trị truyền thống đồng thời định hình đất nước trong năm 2021.
THANH HẰNG tổng hợp/ SGGP