VTV.vn – Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nếu được giảm 2% thuế dăm gỗ xuất khẩu thì tình trạng tồn đọng mặt hàng dăm gỗ sẽ không còn.
Nhiều nhận định cho rằng, gỗ không phải là cây rau cỏ mà hỏng ngay được, nếu năm nay bán lỗ thì ngừng bán. Tuy nhiên, xét trên ngành lâm sản, một cây gỗ lớn khai thác chỉ 1/4 phần giá trị nhất dùng làm sản phẩm tinh như gỗ nội thất, gỗ ghép thanh; 3/4 còn lại được lọc thừa sẽ dùng làm dăm. Điều này đồng nghĩa ngừng sản phẩm dăm gỗ sẽ kéo theo một hệ lụy lớn là nông dân nếu chỉ bán được 1/4 cây gỗ thì họ cũng sẽ không bán mà ngừng khai thác. Các sản phẩm gỗ khác sẽ không có nguyên liệu đầu vào.
Nếu dăm gỗ khó xuất khẩu thì tiêu thụ trong nước được xem là một giải pháp. Tuy nhiên, các nhà máy làm bột giấy hoặc làm ván MDF trong nước chỉ tiêu thụ một sản lượng dăm gỗ nhỏ, 1% tổng sản lượng dăm gỗ trong nước.
Dăm gỗ tồn kỷ lục tại các cảng biển.
Ngành sản xuất giấy Việt Nam nhập khẩu hơn 400.000 tấn bột giấy/năm, nhưng chỉ có 2 công ty sản xuất bột giấy trong nước đang cung ứng hơn 200.000 tấn bột giấy/năm. Do đó, nếu có giải pháp có thể phát triển ngành bột giấy nước ta, cũng có thể tháo gỡ cho mặt hàng dăm. Tuy nhiên, đó là một kế hoạch trong dài hạn.
Giải pháp căn cốt nhất thời điểm hiện tại có thể áp dụng ngay lúc này để tạm thời gỡ khó cho ngành dăm gỗ đang liên tục bị tồn đọng là tạm thời hạ mức thuế xuất khẩu 2% đang được áp dụng.
“Việc đánh thuế 2% không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách, nhưng ảnh hưởng lớn đến người trồng rừng vì tiền thuế này đánh vào người trồng rừng. Tôi đề xuất Bộ Tài chính tạm thời chưa áp dụng thuế xuất 2% để hỗ trợ doanh nghiệp dăm gỗ tồn tại và phát triển”, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh Hóa, cho biết.
Việc đánh thuế 2% dăm gỗ xuất khẩu không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách, nhưng ảnh hưởng lớn đến người trồng rừng.
Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã 4 lần đề xuất giảm khoản thuế này trong công văn gửi các bộ ngành. Con số 2% thuế xuất khẩu tuy nhỏ, nhưng nếu được giảm thì tương đương với mỗi m3 được giảm 50.000 đồng. Đây sẽ là nguồn hỗ trợ để nông dân thu được thêm lên đến 40 triệu đồng mỗi hecta.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, nếu được giảm 2% thuế dăm gỗ xuất khẩu thì tình trạng tồn đọng mặt hàng dăm gỗ sẽ không còn và có thể từ nay đến cuối năm 2020, sản lượng dăm gỗ xuất khẩu sẽ bằng hoặc vượt mức đã đạt năm trước.