TS. Cấn Văn Lực nhận định, nợ xấu sẽ tăng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn. Lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ sụt giảm, ước tính giảm 20-25% trong năm 2020.
Sáng nay (30/9), tại Diễn đàn “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, có 5 tác động lớn của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng.
Thứ nhất, sức cầu yếu và niềm tin còn chưa cao, tăng trưởng tín dụng thấp (tính đến 15/9/2020, tín dụng mới chỉ tăng khoảng 4,81% (trong khi cùng kỳ đạt 8,64%). Dự đoán tăng trưởng cả năm 2020 sẽ chỉ ở mức 8-9%.
Năm tới, khi kinh tế phục hồi thì có thể tăng trưởng ở mức cao hơn khoảng 9-10%. “Tôi cho rằng đây là mức tăng trưởng phù hợp, do quy mô tín dụng/GDP là tương đối lớn”, ông nói.
Thứ hai, chất lượng tài sản sẽ xấu đi. “Nợ xấu sẽ tăng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn”, vị chuyên gia dự báo. Thứ ba, lợi nhuận cũng sẽ giảm. Ước tính, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam sẽ giảm 20-25% trong năm 2020, tương đương các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.
Ông Lực cho rằng, cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ là thời điểm hết sức khó khăn với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, TS. Cấn Văn Lực cho biết cũng có những tác động tích cực. Cụ thể, tác động thứ tư là ngân hàng số và thanh toán không tiền mặt tăng nhanh (trong 6 tháng đầu năm 2020: mobile banking tăng trưởng 180%).
Và tác động lớn thứ năm, hành vi, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng của khách hàng thay đổi, cần thiết kế sản phẩm và dịch vụ phù hợp.
Ngoài ra còn có các tác động khác có thể kể đến như: Thay đổi hạn mức tín dụng, mô hình lượng hóa rủi ro; Thay đổi kênh phân phối (kênh số/điện tử tăng nhanh); Hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn nếu không có phương án dự phòng; Thị trường chứng khoán biến động, giá cổ phiếu ngân hàng giảm; Các loại rủi ro tăng.
Thu Thủy
Theo Trí thức trẻ