Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có hoạt động kinh tế sôi động nhất cả nước và đang từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì vậy, việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện tại và tương lai. Hiện chính quyền thành phố đang xúc tiến các bước đi cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu này.
này.
Hội đủ các điều kiện
Hiện nay, mật độ tập trung các tổ chức tài chính trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cao nhất so với cả nước. Chỉ tính riêng hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã có tới 2.138 đơn vị; trong đó có 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 31 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước và 4 ngân hàng quốc doanh.
Sau 20 năm vận hành và phát triển, Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) trở thành thị trường giao dịch cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết quy mô lớn và các sản phẩm chứng chỉ quỹ, quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng quyền có bảo đảm. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tại HoSE đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% tổng sản phẩm nội địa (GDP)…
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam), nếu lấy thành phố Hồ Chí Minh làm tâm điểm và trên phạm vi bán kính 3 giờ đường hàng không thì thành phố nằm ở vị trí trung tâm Đông Nam Á. Đây là vị trí chiến lược, thuận lợi cho thành phố trở thành trung tâm của thị trường tài chính khu vực.
“Nếu có sự ủng hộ và hậu thuẫn tối đa của Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2021-2030, thành phố cần nguồn tài chính rất lớn, ước tính gần 1 triệu tỷ đồng, để đầu tư phát triển. Chính vì vậy, việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ đem lại lợi thế rất lớn trong việc huy động vốn cho nền kinh tế.
Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thông (quận 7, chuyên sản xuất hàng gia dụng) Hoàng Minh Thông cho rằng, nếu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, thị trường tài chính của thành phố Hồ Chí Minh sẽ cạnh tranh tốt hơn. “Điều này giúp đem lại thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp”, ông Hoàng Minh Thông tin tưởng.
Khát vọng trở thành trung tâm tài chính
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, ý tưởng xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính đã có từ nhiều năm trước. Hiện thành phố đang lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia lĩnh vực tài chính, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp để hoàn thiện kế hoạch này. Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh, để trở thành trung tâm tài chính, thành phố cần có sự đột phá từ chính sách.
Còn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Tài chính thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước tiên thành phố phải xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để đáp ứng quy mô của nền kinh tế.
Theo kế hoạch của UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong ngắn hạn, thành phố sẽ xây dựng Trung tâm Tài chính ở cấp độ quốc gia. Trong trung hạn, thành phố định hướng nâng lên ở tầm khu vực. Trong dài hạn, Trung tâm Tài chính thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm điểm thu hút các nguồn cung, cầu về các sản phẩm tài chính đầu tư, kinh doanh; thu hút các định chế tài chính, tổ chức kinh tế hàng đầu trên thế giới. Ngay thời điểm này, Trung tâm Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia lân cận như: Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei. Tiếp đó, thành phố hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong khối ASEAN mà cả khu vực châu Á và rộng hơn.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương xem mục tiêu “Phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ trọng điểm, chiến lược quan trọng của quốc gia và đưa vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, bổ sung nội dung này vào dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Đây là những điều kiện tiên quyết để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong thời gian tới; thúc đẩy nội lực tăng trưởng của thành phố tương xứng với tiềm năng, lợi thế”, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định.
TRỌNG NGÔN[email protected]